“Nóng” chuyện giải cứu nhân đạo ở Syria

24/11/2016 | 07:57 GMT+7

Chiến sự đang diễn ra ngày một ác liệt làm cho gần 1 triệu người bị mắc kẹt trong các vùng chiến sự ở Syria phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nên chuyện cứu trợ nhân đạo đang được các tổ chức quốc tế quan tâm.

Cảnh đổ nát ở Aleppo sau một vụ nã rocket. Nguồn: Reuters

Điều phối viên hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Stephen O’Brien, cho biết hiện có hơn 974.080 người, tăng gần gấp đôi so với 6 tháng trước đang mắc kẹt tại các vùng chiến sự ở Syria. Họ là những thường dân bị cô lập, bị bỏ đói, bị đánh bom, bị từ chối các hỗ trợ y tế và nhân đạo. Thông báo của ông O’Brien được đưa ra trong thời điểm Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ thảo luận về tình hình tại Syria trong khi quân đội nước này và các máy bay Nga tiếp tục tấn công các khu vực do những nhóm đối lập kiểm soát ở miền Bắc Syria, bao gồm cả thành phố Aleppo. Ông O’Brien cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thực thi các biện pháp mạnh nhằm hỗ trợ những nghị quyết kêu gọi chấm dứt tấn công nhằm vào dân thường, cản trở hoạt động nhân đạo, kêu gọi dỡ bỏ sự bao vây tại các khu vực ở Syria.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power đã công bố danh sách gồm hàng chục tướng lĩnh và sĩ quan Syria bị cáo buộc tham gia các vụ tấn công dân thường, đồng thời cảnh báo những đối tượng này sẽ phải “ra trước vành móng ngựa” trong tương lai. Trong khi đó, đại diện của Nga tại LHQ Vladimir Safronkov đã lên tiếng chỉ trích cáo buộc của Mỹ, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ.

Mới đây, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Damascus, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura nhấn mạnh: “Chúng ta đang chạy đua với thời gian để tìm giải pháp nhân đạo”. Ông cũng cho biết các cơ quan cứu trợ lo ngại rằng thay vì một sáng kiến nhân đạo hoặc chính trị, “trên thực tế đang diễn ra sự leo thang các hoạt động quân sự tại Aleppo và nhiều nơi khác”. Ông cảnh báo từ nay đến Giáng sinh, nếu tình hình căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng, những gì còn lại ở Đông thành phố Aleppo sẽ sụp đổ hoàn toàn và 200.000 người có thể phải sơ tán sang Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra một thảm họa nhân đạo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hai nước “tiếp tục theo đuổi các sáng kiến, cùng với sự tham gia sâu rộng hơn của cộng đồng quốc tế để giảm bớt bạo lực và sự khổ đau của người dân Syria”. Theo đánh giá của giới quan sát, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ là một mối quan hệ “đầy thử thách”.

Trong một diễn biến mới nhất, một vụ tấn công bằng rocket của lực lượng nổi dậy đã làm ít nhất 8 trẻ em thiệt mạng tại quận Furqan, khu vực chính phủ đang kiểm soát. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các lực lượng nổi dậy đang tiến vào khu Massaken Hanano, Đông Bắc Aleppo, gây ra các cuộc giao tranh dữ dội, làm ít nhất 19 dân thường thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, đưa tổng số người thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc không kích Đông Aleppo lên 115 người, trong đó có 18 trẻ em và ít nhất 74 binh sĩ nổi dậy bị tiêu diệt. Kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính phủ tại Syria vào tháng 3-2011 thì đã có hơn 300.000 người đã thiệt mạng. Cộng đồng quốc tế đã liên tục tìm giải pháp hòa bình, song chưa đạt kết quả.

Mới đây, Ngoại trưởng Syria đã bác bỏ một đề xuất hòa bình của LHQ, trong đó thừa nhận quyền tự trị cho lực lượng nổi dậy ở Đông Aleppo. Ông khẳng định đề xuất này “vi phạm chủ quyền quốc gia” của Syria. Tuy nhiên, ông Muallem bày tỏ hy vọng chính quyền mới ở Mỹ ngừng hậu thuẫn các nhóm vũ trang và kiềm chế các nước trong khu vực đang hỗ trợ các nhóm này.

Trong khi loay hoay tìm lời giải cho cuộc xung đột ở Syria thì từng giờ qua đi chiến sự đẫm máu tiếp tục diễn ra và thêm nhiều người dân vô tội phải mất mạng. Tìm giải pháp nhân đạo là việc làm cấp thiết mà các quốc gia liên quan cần sớm được đặt ra.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>