Nhiều quốc gia châu Âu tiếp tục “nói không” với người di cư

03/03/2017 | 07:54 GMT+7

Trong khi làn sóng người di cư từ châu Phi, Trung Đông tiếp tục đổ về châu Âu với mong muốn thoát khỏi chiến tranh, khủng bố và nghèo đói thì nhiều quốc gia châu Âu lại có những chính sách xiết chặt hơn đối với người nhập cư. Điều này đã làm cho bài toán người di cư càng thêm nan giải.

Người tị nạn ở Đức. Nguồn: AP

Chính phủ Hungary vừa thông báo, nước này bắt đầu xây dựng lớp rào thứ hai dọc biên giới với Serbia nhằm ngăn chặn người nhập cư. Lớp rào mới này chạy dọc biên giới dài 175km sẽ giúp gia cố hàng rào được xây dựng từ năm 2015, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Đặc biệt, hàng rào công nghệ cao này, được lắp đặt camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt và chuyển động, được cho sẽ giúp “ngăn chặn hoàn toàn” người nhập cư từ Serbia vào Hungary. Dự kiến, hàng rào mới sẽ được hoàn thành trong vòng 2 tháng trước thời điểm mùa hè, được dự báo sẽ là thời điểm tăng mạnh số người nhập cư vào các nước Trung và Bắc Âu. Việc xây dựng hàng rào công nghệ cao này là nhằm hiện thực hóa kế hoạch của Thủ tướng Hungary Viktor Orban ban hành hồi tháng 8-2016, nhằm giảm số binh sĩ và cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra biên giới của nước này với Serbia.

Hiện có khoảng 7.000 người di cư bị mắc kẹt ở Serbia khi tìm đường tới Tây Âu. Năm 2015, có hơn 400.000 người di cư đã vượt Hungary để vào các nước châu Âu. Sau khi hàng rào đầu tiên hoàn thành vào tháng 9-2015 và một hàng rào khác được xây dựng dọc biên giới với Croatia một tháng sau đó, số người di cư vào Hungary đã giảm mạnh.

Trong một động thái liên quan, mới đây Chính phủ Cộng hòa Áo đã thông qua dự luật ngừng cung cấp chỗ ở và thực phẩm cho những người bị bác đơn xin tị nạn và từ chối rời khỏi nước này. Mặc dù dự luật còn phải được Quốc hội thông qua nhưng đây rõ ràng là biện pháp mạnh ngăn chặn người nhập cư của quốc gia này. Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Sobotka cho rằng, điều luật mới là nhằm bảo đảm sự thượng tôn pháp luật và khuyến khích những người bị bác đơn xin tị nạn tự nguyện rời khỏi Áo. Theo quy định, những người tìm kiếm quy chế tị nạn tại Áo được nước này hỗ trợ những nhu cầu thiết yếu như cung cấp chỗ ở, thực phẩm và chữa bệnh miễn phí cùng 40 euro tiền tiêu vặt mỗi tháng. Hiện tại có gần 4.000 người nhập cư đang hưởng “chế độ bao cấp tối thiểu” nhưng dưới tác động của điều luật mới sẽ có 2.000 người phải rời khỏi Áo. Đây thật sự là tín hiệu xấu đối với người tị nạn muốn vào châu Âu.

Trong khi đó, tại Đức, quốc gia có chính sách tiếp nhận người nhập cư nhiều nhất ở châu Âu với khoảng 400.000 người tị nạn tới Đức năm 2015 và hơn 300.000 người vào năm 2016 thì gần đây sự kỳ thị của người dân bản địa đối với người di cư lại tăng lên đáng kể. Bộ Nội vụ Liên bang Đức cho biết, trong năm 2016 đã xảy ra 3.533 vụ tấn công vào người tị nạn cũng như nơi ở của người tị nạn tại nước này. Trong đó, có 2.545 vụ tấn công nhằm vào các cá nhân là người tị nạn và 988 vụ tấn công nhằm vào nơi ở của người tị nạn. Các vụ tấn công này đã làm 560 người bị thương, trong đó có 43 trẻ em. Hiện tại, Đức vẫn đang phải vật lộn với việc giải quyết đơn xin tị nạn của hàng trăm nghìn người, trong bối cảnh các nguy cơ về an ninh và tấn công khủng bố ở mức rất cao. Các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn đang đặt ra một câu hỏi lớn, đó là liệu Đức có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho người tị nạn hay không.

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố một báo cáo cho biết, hiện có gần 1,4 triệu trẻ em ở 4 nước châu Phi gồm Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn đói hoành hành. Trong đó, Yemen là quốc gia có số lượng trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng cao nhất (462.000 trẻ), tiếp theo là Nigeria (450.000 trẻ), Nam Sudan (270.000 trẻ) và Somalia (185.000 trẻ). Đây sẽ là tác nhân đẩy gia đình họ di cư tìm đến “miền đất hứa” châu Âu trong tương lai gần. Hậu quả dễ nhận thấy nhất của việc quá tải làn sóng người di cư là sự khốn khó, không chốn nương thân mà họ phải đối mặt. Bởi lẽ ngày càng có nhiều quốc gia “nói không” với người di cư. Bài toán người di cư càng trở nên hóc búa hơn khi đi tìm lời giải.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>