Nga - Mỹ bất đồng từ “lá chắn tên lửa” tại châu Âu

17/05/2016 | 07:19 GMT+7

Việc Mỹ kích hoạt “lá chắn tên lửa” ở Romania đi kèm với động thổ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018, với nhiệm vụ có thể giúp bảo vệ các nước sườn vùng Trung và Bắc NATO mới đây đã dẫn đến bất đồng giữa Nga - Mỹ và nguy cơ dẫn đến chạy đua vũ trang không mong muốn giữa hai nước.

Binh sĩ Mỹ lắp đặt bệ phóng tên lửa Patriot ở Sochaczew, Ba Lan. Nguồn: AFP/TTXVN

“Lá chắn tên lửa” mới kích hoạt được đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu. Liên tiếp sau đó một ngày, Trạm phòng thủ tại Ba Lan gồm hệ thống 24 tên lửa SM-3 cùng các hệ thống phòng không khác cũng được khởi công. Hệ thống phòng thủ này được xây dựng ở Redzikowo, phía Bắc Ba Lan và Deveselu, ở phía Nam Romania. Hai trạm đánh chặn tên lửa này là một phần trong hệ thống lá chắn quy mô lớn ở châu Âu của NATO. Dự kiến, hai hệ thống này sẽ đi vào vận hành đầy đủ từ năm 2018 bất chấp phản đối quyết liệt của Nga.

Theo lý giải của các quan chức Mỹ và NATO, hệ thống phòng thủ này được xây dựng nhằm chống lại các mối đe dọa về tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung, đặc biệt từ một số quốc gia “ngỗ ngược” ở Trung Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này ở châu Âu sẽ không đóng vai trò như một lá chắn tương lai để chống lại các rocket của Nga.

Tuy nhiên, Nga coi việc xây dựng các trạm phòng thủ này là mối đe dọa an ninh bởi trạm Redzikowo chỉ nằm cách thành phố Kaliningrad của Nga khoảng 250km. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định động thái trên của Mỹ đã vi phạm Hiệp ước vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả thích hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Nga xem việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Romania là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu các tên lửa tầm trung và tầm ngắn mà hai nước ký năm 1987. Nga đã nhiều lần chỉ ra những mối nguy hại của việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực trong tình hình căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, những quan ngại trên đã bị phớt lờ. Chính vì thế, chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả cả về mặt quân sự và kỹ thuật”.

Trước đó, Tổng thống Nga Putin nêu rõ, nước này sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, song sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với an ninh của Nga và “sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm và duy trì sự cân bằng chiến lược”.

Trong một động thái liên quan, Tướng Sergey Karakayev, Chỉ huy các lực lượng tên lửa chiến lược Nga, mới đây tuyên bố Nga đang phát triển các tên lửa đạn đạo mới có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Về phía Mỹ, Washington đã bày tỏ quan ngại trước tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu là một mối đe dọa an ninh và những biện pháp đối phó của Matxcơva. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work bày tỏ hy vọng Matxcơva sẽ xem xét lại quan điểm của mình.

Về mặt lý thuyết, hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu của Mỹ là để tự vệ với các quốc gia “ngỗ ngược” ở Trung Đông, nhưng trên thực tế việc Nga lo ngại hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ vị trí lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa này hoàn toàn có thể tấn công tới Nga. Đây thật sự là một tác nhân gây thêm bất đồng và có nhiều khả năng dẫn đến chạy đua vũ trang giữa Nga - Mỹ. Điều này thật sự là nỗi lo của cộng đồng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>