Nga muốn hợp tác thiện chí với phương Tây

14/01/2016 | 07:32 GMT+7

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Matxcơva sẵn sàng tương tác với NATO và trong khuôn khổ Nhóm các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) miễn là phía bên kia thể hiện thiện chí tương tự. Đây được xem là lối mở tạo nền tảng để quan hệ của Nga - phương Tây xích lại gần nhau.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry trong một cuộc hội đàm tại Matxcơva hồi tháng 12-2015.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga Putin: “Nga không phải là nước cắt đứt quan hệ hợp tác với G8 hay Hội đồng Nga-NATO. Matxcơva sẵn sàng tương tác với NATO, tuy nhiên, mối quan hệ chỉ có thể vui vẻ khi cả hai bên có cùng thiện chí”. Ông Putin cũng cho biết thêm, Nga sẽ bảo vệ các lợi ích an ninh của mình bằng mọi cách có thể.

Sở dĩ, Nga và phương Tây có những mâu thuẫn dẫn đến trừng phạt lẫn nhau là do kể từ năm 2014, Mỹ và EU cáo buộc Nga xâm chiếm Crimea và ủng hộ phe đối lập tại miền Đông chống lại quân Chính phủ Ukraine. Đến cuối tháng 12-2015, EU đã gia hạn các lệnh trừng phạt của mình nhằm vào Nga thêm 6 tháng nữa với lý do, thỏa thuận hòa bình Minsk mà Nga là một bên ký kết đã không được thực thi đầy đủ. Gần đây nhất là quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên của NATO, trong vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu của Matxcơva đã tạo ra những hành động thù địch quy mô lớn.

Các lệnh trừng phạt lẫn nhau không chỉ ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước EU mà còn tác động không nhỏ đến nhiều mặt của cả hai phía. Theo đó, ngoài tổn thất nặng nề về kinh tế khi giá năng lượng đang sụt giảm mạnh làm ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sang các nước, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác của Nga cũng bị thiệt hại đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2015, GDP của Nga giảm 3,8% trong khi lạm phát tăng 12,7%. Theo thống kê chưa đầy đủ, các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỉ USD và đẩy nền kinh tế nước ngày rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Mặc dù, theo Tổng thống Nga Putin, cán cân thương mại hiện nay vẫn được duy trì ở mức dương và lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Nga đã xuất khẩu được một lượng lớn hàng hóa có giá trị gia tăng cao và Nga đã trữ được số vàng trị giá 300 tỉ USD”.

Về phần các nước trong khối EU, các nhà nghiên cứu tính toán cứ Nga thiệt hại 40 tỉ USD thì EU phải tăng lên 50 tỉ USD. Nếu tiếp tục duy trì trừng phạt thương mại Nga sẽ dẫn đến một thực tế là Italia sẽ mất hơn 200.000 việc làm và kinh tế giảm 0,9%; Pháp mất gần 150.000 việc làm và kinh tế giảm 0,5%. Estonia, nước có quan hệ sâu rộng với nền kinh tế Nga nhất, sẽ mất đi khoảng 16%, còn kinh tế Đức sẽ giảm hơn 1%...

Giới phân tích cho rằng, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ - EU với Nga và ngược lại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các bên liên quan và ngay cả khi kết thúc trừng phạt, việc khắc phục thiệt hại cũng sẽ không đơn giản. Cuộc chiến thương mại này càng kéo dài càng gây ra căng thẳng khốc liệt khó lường. Do vậy, việc Nga muốn hợp tác thiện chí với phương Tây sẽ tác động tích cực đến sự phát triển chung. Đây cũng là điều kiện để cuộc chiến chống khủng bố đạt được kết quả cao hơn. Tuy nhiên, theo Tổng thống Nga Putin, thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ chung. Nga mong muốn cả châu Âu và toàn bộ thế giới cùng nhau nỗ lực đối phó với các nguy cơ và Nga đang nỗ lực để đạt mục tiêu này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>