Khủng hoảng ở Haiti vẫn chưa có lối thoát

09/05/2024 | 07:04 GMT+7

Khủng hoảng ở Haiti ngày càng trầm trọng hơn khiến Mỹ điều động lực lượng và gửi viện trợ vũ khí để tham gia phái bộ an ninh đa quốc gia nhằm nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.

Haiti đang chìm vào vòng xoáy bạo lực, trong bối cảnh xung đột leo thang giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang tại thủ đô Port-au-Prince. Nguồn: REUTERS

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Todd Robinson xác nhận, nước này đã gửi lực lượng tới thủ đô Port-au-Prince của Haiti để tham gia phái bộ an ninh đa quốc gia do Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủy quyền và Kenya dẫn đầu.

Đây là bước khởi đầu để chuẩn bị cơ sở vật chất cho phái bộ an ninh đa quốc gia, gồm khoảng 1.000 sĩ quan cảnh sát, nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh Haiti trong cuộc chiến chống lại các băng nhóm tội phạm đang thống trị thành phố và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Lầu Năm Góc sẽ hỗ trợ sứ mệnh này trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đồng thời cam kết chi khoảng 190 triệu Euro để lắp đặt các thiết bị an ninh bảo vệ phái bộ trong thành phố. Cụ thể, trong gói hỗ trợ, Washington sẽ gửi ít nhất 80 chiếc xe Humvee, 35 xe bọc thép MaxxPro, súng bắn tỉa, thiết bị kiểm soát bạo loạn, súng ống, đạn dược và máy bay không người lái giám sát.

Trước đó, Ngoại trưởng Bahamas Fred Mitchell cho hay, hoạt động triển khai lực lượng đa quốc gia để khôi phục an ninh ở Haiti sẽ bắt đầu từ ngày 26-5, đồng thời nhắc lại cam kết của Bahamas sẽ gửi 150 binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ tham gia.

Trong khi đó, Cảnh sát quốc gia Haiti (PNH) cho hay, lực lượng này có thể nhận được quân tiếp viện nước ngoài từ ngày 23-5. Nguồn tin địa phương cho biết, chỉ rất ít trong số gần 3.700 tù nhân đào thoát khỏi Nhà tù quốc gia Haiti hồi đầu tháng 3 bị bắt trở lại.

Theo một báo cáo của LHQ, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng ở Haiti trong quý đầu tiên của năm 2024 do các vụ bạo lực liên quan các nhóm vũ trang.

Bạo lực cũng là nguyên nhân chính khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Haiti. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hiện có hơn 360.000 người đang sống trong tình cảnh vô gia cư. Chỉ riêng trong tháng 3, hơn 53.000 người đã rời Port-au-Prince do các cuộc tấn công gia tăng.

Haiti đang chìm vào vòng xoáy bạo lực, trong bối cảnh xung đột leo thang giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang tại thủ đô Port-au-Prince kể từ khi Tổng thống nước này Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3-3 vừa qua và giải thoát gần 3.600 tù nhân. Lực lượng tù nhân này đã gây ra nhiều vụ bạo lực ở khắp đất nước Haiti, nhất là ở các thành phố. Bạo lực đường phố leo thang khiến người dân bị hạn chế di chuyển và khó có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Dưới tác động của nhiều quốc gia và LHQ, ngày 28-3, Haiti công bố thành lập Hội đồng chuyển tiếp, với quyết tâm giảm bớt nỗi thống khổ của người dân nước này.

Hội đồng chuyển tiếp đang hoàn thiện các khâu cuối cùng về tổ chức và phương thức hoạt động, bao gồm một thỏa thuận chính trị minh bạch giữa các cơ quan liên quan, nhằm thực hiện kế hoạch hành động rõ ràng để khôi phục trật tự và dân chủ, đảm bảo an ninh, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tổ chức bầu cử tự do và triển khai những cải cách cần thiết.

Tuy nhiên, Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ cho hay, tình trạng bạo lực gia tăng giữa các nhóm vũ trang ở Haiti đã làm xói mòn các quy định pháp luật, đẩy nước này rơi vào “tình hình thảm họa”.

Chính những yếu tố trên đã khiến Mỹ và nhiều quốc gia liên quan điều động lực lượng và gửi viện trợ vũ khí để tham gia phái bộ an ninh đa quốc gia nhằm giảm bớt bạo lực, từng bước lập lại hòa bình cho quốc gia vùng biển Ca-ri-bê này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>