Nền kinh tế Iran hứa hẹn trỗi dậy trong năm 2016

28/01/2016 | 07:43 GMT+7

Sau lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ, Iran được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về tiềm lực kinh tế. Bởi lẽ, cùng với nguồn tài nguyên phong phú, Tehran còn là một trong những quốc gia có điều kiện nhất ở Trung Đông để các nước phương Tây nắm bắt cơ hội làm ăn với nền kinh tế mới mở cửa này.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng người đồng cấp Italia - Tổng thống Sergio Mattarella thăm Dinh Tổng thống Italia. Ảnh: REUTERS

Thực tế, Iran có những điều kiện khá tốt như: địa thế chiến lược, lực lượng lao động dồi dào, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Đặc biệt, Iran là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên. Đây cũng là những lợi thế giúp nền kinh tế mới mở cửa này trỗi dậy trong năm 2016. Điều này đã được chứng minh khi mới đây trong chuyến thăm 2 nước châu Âu là Italia và Pháp của Tổng thống Iran Hasan Rowhani, Iran đã ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế. Theo đó, chỉ tính riêng các hợp đồng kinh tế với Italia trị giá 17 tỉ euro, bao gồm hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, sắt thép, đóng tàu… Trong số này có một thỏa thuận giữa tập đoàn dịch vụ dầu khí Italia Saipem cung cấp đường ống dẫn dài 2.000km, trị giá từ 4 đến 5 tỉ USD. Những con số đó thực sự trở thành một sự kiện đáng nhớ không chỉ trong lịch sử Iran, mà còn với các nước châu Âu. Lần đầu tiên trong hơn 10 năm có một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo đến thăm một thủ đô châu Âu để ký những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỉ USD. Thủ tướng Italia Renzi cho rằng: “Đây chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài. Còn nhiều lĩnh vực mà hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa”. Italia vốn có quan hệ kinh tế khá mật thiết với Iran trước khi có các lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Vì thế, có lẽ đây cũng là đối tác ưu tiên của Iran khi hội nhập trở lại với thị trường quốc tế. 

Giới quan sát cho rằng, Tehran đang trở thành “ngưỡng cửa vàng” đối với nhiều quốc gia không chỉ châu Âu mà trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc đã có những chuyển động tích cực mang tính “dọn đường” để hợp tác đầu tư vào Tehran. Ngay sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt được công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Iran nhằm tranh giành ảnh hưởng với Nga. Theo đó, Bắc Kinh và Tehran đã cải thiện mối quan hệ ở mức đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc hứa hẹn hỗ trợ Iran trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trước đó hồi tháng 11-2015, Tổng thống Nga Putin cũng đã thăm Iran để tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh và Matxcơva không giống nhau. Đối với Trung Quốc, Iran vẫn là nhà cung cấp hàng đầu các nguồn tài nguyên năng lượng. Trong khi Nga quan tâm hợp tác trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Mặc dù vậy nhưng cả hai đều muốn tranh dành ảnh hưởng với quốc gia Trung Đông này.

Mặc dù cánh cửa đang mở rộng cho nền kinh tế Iran nhưng giới phân tích cho rằng, con đường hội nhập phía trước của quốc gia này cũng còn lắm chông gai. Theo đó, các nhà đầu tư vẫn còn dè chừng bởi những yếu tố xấu như: hệ thống ngân hàng Iran đang chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật lạc hậu, tình trạng tham nhũng, quan liêu, thị trường lao động thiếu linh hoạt và tình trạng bị thụt lùi về công nghệ tiên tiến do bị cô lập trong nhiều năm. Điều khiến các nhà đầu tư quan ngại nhất chính là nguy cơ Iran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Một khi kịch bản đó xảy ra, mọi nỗ lực và công sức của các bên sẽ trở nên vô ích. Do vậy, muốn trỗi dậy trong năm 2016 và những năm tiếp sau thì Iran cần cải thiện những tác động xấu trên.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>