Nạn đói đang hoành hành châu Phi

10/05/2017 | 08:25 GMT+7

Bên cạnh chiến tranh, khủng bố, chế độ chính trị bất ổn..., hạn hán kéo dài là nguyên nhân chính làm hàng chục triệu người dân châu Phi rơi vào tình trạng thiếu đói đang chờ cứu trợ.

Ethiopia đang đối phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Nguồn: WASHINGTON POST

Ông John Aylieff, Giám đốc  Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc tại Ethiopia cho biết hiện có 1,7 triệu người ở khu vực vùng Sừng châu Phi đang phải đối mặt với tình cảnh cực kỳ khó khăn do hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, con số người bị thiếu đói ở khu vực này cao gấp nhiều lần so với công bố của WFP. Cụ thể theo Chính phủ Ethiopia cho biết, số người cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp ở nước này đã vượt quá 7,7 triệu người và nước này cần tới hơn 740 triệu USD để giải quyết những yêu cầu bức thiết của người dân. Còn ở Somalia nạn đói cũng đã đến mức báo động đỏ. Hiện có 6,2 triệu người trên toàn Somalia đang cần thực phẩm, và nước này cần gấp số tiền rất lớn để giải quyết những yêu cầu thiếu đói của người dân. Hiện tại, ở những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trung bình cứ 6 người phải sống sót qua ngày chỉ với một cốc gạo. Mặc dù vậy, mọi người vẫn chia sẻ những gì họ có với những người không có gì để duy trì sự sống. Các bà mẹ chỉ ăn một khẩu phần ăn đầy đủ mỗi tuần để dành thực phẩm cho con họ. Đáng quan ngại, trong số này có hàng trăm nghìn trẻ em Somalia bị suy dinh dưỡng cấp nhưng không được cứu chữa kịp thời.

Ông William Babumba, người phụ trách khu vực Somalia, thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, cho biết: “Những ai không đến được bệnh viện trung tâm có khả năng cao sẽ chết. Chúng tôi có phòng khám di động, rất hiệu quả, nhưng trẻ em suy dinh dưỡng nặng cần phải đến bệnh viện và rất ít người có đủ điều kiện làm như vậy. Chúng tôi đã không thể cứu chữa được khoảng 10.000 người trong đợt hạn hán này”. Liên Hiệp Quốc ước tính có tới nửa triệu trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở Somalia trong năm 2017. Nhiều người sống sót sẽ phải đối mặt với các hệ lụy liên quan đến sức khỏe trong suốt cuộc đời họ.

Theo các nhà khoa học, hạn hán kéo dài ở châu Phi là do tác động của nhiều yếu tố: Mưa không đủ trong năm 2015 và tình trạng này thực sự trở nên nghiêm trọng vào năm 2016 và đang tiếp tục leo thang ở năm 2017 này. Theo dự báo, hạn hán khó có thể kết thúc nhanh chóng và có khả năng kéo dài trong thời gian tới. Do thiếu nước, hiện nhiều người dân Somalia phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để lấy nước. Tuy nhiên, dịch tả cũng đang bùng phát ở những điểm cung cấp nước bị ô nhiễm hoặc kém vệ sinh. Xác động vật ngổn ngang do hạn hán cũng trở thành nỗi ám ảnh đối với những người dân nơi đây. WFP lo ngại rằng tác động của hạn hán có thể khiến số người di cư ngày càng tăng, do chạy trốn cả nạn hạn hán và mất an ninh ở Nam Sudan, Somalia và Ethiopia.

Điều đáng quan ngại hiện nay là số tiền vận động tài trợ nhân đạo quá ít so với nhu cầu cần thiết. Từ đầu năm 2017 đến nay, tổ chức WFP chỉ  nhận được chưa tới 20% tiền tài trợ so với nhu cầu thực tế của các quốc gia. Với số tiền này, WFP chỉ mới hỗ trợ cho 1 triệu trong số 4,7 triệu người khó khăn ở Ethiopia được nhận khẩu phần lương thực cứu trợ của WFP trong tháng 4. Nếu không được cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp, nạn đói ở Ethiopia sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Mới đây, Liên Hiệp Quốc công bố hơn 40% dân số Somalia đang lệ thuộc vào thực phẩm cứu trợ. Ít nhất 360.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng và khoảng 70.000 người trong số này đang bị đe dọa sẽ chết đói. Ông Karl-Otto Zentel, Tổng Thư ký Tổ chức cứu trợ CARE (Đức-Luxemburg), lo lắng: “Tình trạng hạn hán hiện nay là tín hiệu cảnh báo tương tự như năm 2011 khi hơn 260.000 người bị chết trong nạn đói ở Somalia. Nhân viên cứu trợ cũng đã báo động từ nhiều tháng trước đó, nhưng cộng đồng quốc tế đã thất bại trong hành động kịp thời”.

Đúng như giới quan sát nhận định, một màu xám ảm đạm đang phủ đầy trên bức tranh cuộc sống của những người dân vùng Sừng châu Phi. Nếu không được cứu trợ kịp thời từ các tổ chức nhân đạo quốc tế thì màu xám này sẽ còn lan rộng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>