Mỹ - Trung Quốc lại khẩu chiến về quyền kiểm soát Biển Đông

12/05/2016 | 07:13 GMT+7

Mới đây, tàu Hải quân Mỹ đã tiến sát Đá Chữ Thập ở Biển Đông (Fiery Cross Reef) trên quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Động thái này của Mỹ được cho là nhằm thách thức những tuyên bố hàng hải quá đáng của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. Khẩu chiến giữa hai cường quốc Trung Quốc - Mỹ lại nổ ra từ những bất đồng này.

Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Nguồn: Getty Images

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cho rằng, Mỹ không đứng về phía một quốc gia nào trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà đứng về Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) năm 1982. Theo ông Russel, quyền đi lại tự do ở Biển Đông không phải là đặc quyền dành riêng cho Mỹ, mà còn dành cho tất cả các nước khác, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam. Chính vì lẽ đó, không ai có thể ngăn cản tàu Mỹ tiếp tục đi lại tự do ở khu vực mà Luật pháp quốc tế cho phép. Đây là lần thứ ba trong chưa đầy một năm qua, các tàu chiến của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra quanh các đảo Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo rằng, những chỉ trích của cộng đồng quốc tế liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ bị phản tác dụng.

Thực tế, việc Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, trong đó có một đường băng dài 3.000m đã khiến Mỹ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền vô lý của họ. Mặt khác, theo giới quan sát Philippines, Trung Quốc đang có kế hoạch xây “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” tiếp theo ở bãi đá Scarborough, nghĩa là một căn cứ quân sự với hạ tầng đi kèm có khả năng tiếp nhận máy bay và tàu quân sự... Trung Quốc đã xây dựng trái phép các căn cứ tương tự trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam. Tại đây, Bắc Kinh không tiếc tiền bạc, đã bồi đắp các hòn đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự. Sau khi xây dựng hệ thống các căn cứ quân sự này, Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn tiểu khu vực. Theo đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập tại Biển Đông “vùng nhận dạng phòng không” giống như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013. Nếu Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát đối với vùng biển này thì tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi hàng năm có lưu lượng hàng hoá trị giá lên đến 5.000 tỉ USD đi qua, có thể bị đe dọa. Không chỉ các quốc gia có biển trong khối ASEAN bị ảnh hưởng, mà còn có nhiều quốc gia khác có vận chuyển hàng hải đi qua Biển Đông như Mỹ,  Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… cũng bị đe dọa bởi những hành động này của Bắc Kinh.

Phản ứng trước những động thái trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cáo buộc, tàu Hải quân Mỹ xâm nhập bất hợp pháp vào các vùng biển mà không được sự cho phép của Trung Quốc, đồng thời cho rằng hành động này sẽ đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã điều 2 máy bay chiến đấu và 3 tàu chiến bám theo tàu Lawrence và kêu gọi tàu của Hải quân Mỹ rời khỏi khu vực này. Hành động trên một lần nữa cho thấy Trung Quốc đã cố tình xác nhận Biển Đông thuộc chủ quyền của Bắc Kinh mặc dù thực tế chủ quyền này thuộc nhiều quốc gia liên quan.

Giới quan sát cho rằng, việc Hải quân Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa là hoạt động mang tính răn đe Bắc Kinh. Mặt khác, các quốc gia trong khối ASEAN và các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng cần có sự hợp tác kể cả quân sự nhằm tạo sức mạnh để ngăn cản hành động độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>