Miền Đông Ukraine: Bao giờ ngừng tiếng súng ?

26/07/2017 | 08:06 GMT+7

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk tiến tới lập lại hòa bình ở miền Đông Ukraine được các bên liên quan ký kết dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine), tuy nhiên thỏa thuận này liên tục bị phá vỡ.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố sẽ khôi phục chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực ở miền Đông nước này.  Ảnh: AFP/TTXVN

Những ngày gần đây, tình hình tại miền Đông Ukraine có dấu hiệu “nóng” lên, với việc quân đội chính phủ và phe đối lập sử dụng vũ khí hạng nặng vốn bị cấm trong thỏa thuận Minsk. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, ít nhất 13 binh sĩ của Chính phủ Ukraine đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh hồi tuần trước.

Từ những diễn biến trên, mới đây trong khuôn khổ cuộc điện đàm của lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề nghị thực thi một lệnh ngừng bắn thực sự tại miền Đông Ukraine (Donbass), gồm các khu vực Donetsk và Lugansk, do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Theo Tổng thống Poroshenko, các thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk chỉ là giải pháp tạm thời đối với xung đột quân sự tại miền Đông Ukraine vào thời điểm hiện tại. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh, ông sẽ tiếp tục kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn của phương Tây nhằm vào Nga nếu lệnh ngừng bắn ngay lập tức không được thực thi.

Có một nghịch lý là mặc dù Thứ trưởng Bộ phụ trách các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và người di cư nội địa Ukraine, ông Georgy Tuk mới đây đã thừa nhận việc Kiev không nắm được bằng chứng pháp lý nào về sự hiện diện của quân đội Nga ở Donbass. Tuy nhiên, Kiev vẫn liên tục cáo buộc Nga có liên quan tới sự ly khai ở miền Đông Ukraine và muốn khôi phục lại chủ quyền Donbass và cả Crimea đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Hiện Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine đã tổ chức họp bàn kế hoạch xem xét dự luật về tái hòa nhập Donbass. Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Svyatoslav Tsegolko cho rằng: “Ukraine sẽ khôi phục chủ quyền đối với Donbass và Crimea”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi đại diện Cộng hòa Donesk (DNR) tự xưng và Cộng hòa Lugansk (LNR) tự xưng và 19 khu vực khác thuộc Ukraine ngày 18-7 đã đơn phương tuyên bố thành lập “nhà nước Malorossyia” với thủ đô là thành phố Donesk. Trước đó, người đứng đầu DNR Alexander Zakharchenko cũng đọc tuyên bố chính trị nhấn mạnh cần phải thành lập “quốc gia Malorossyia”, “một nhà nước liên bang mới để ngăn chặn cuộc nội chiến đang diễn ra và tránh những thương vong mới”.

Trong một động thái liên quan, mới đây cả Đức, Pháp và Nga đều không đồng thuận với đề xuất của phe đối lập. Chính quyền Berlin cho rằng:  “Hoàn toàn không thể chấp nhận được vì ông Zakharchenko không có quyền hợp pháp để tuyên bố về khu vực này của Ukraine. Chúng tôi hy vọng Nga cũng lên án bước đi này, rằng nước này sẽ không tôn trọng và chấp nhận điều đó”.

Phát biểu với báo giới, đại diện Nga cũng nêu rõ: “Sáng kiến này không phù hợp với tiến trình Minsk. Nga chỉ xem đây như một lời mời thảo luận. Tuyên bố này không có những kết quả mang tính xây dựng”.

Trước đó, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Aleksandr Zakharchenko tuyên bố mục tiêu của DPR là sáp nhập vào Liên bang Nga. Phát biểu tại phiên họp Ủy ban liên kết Nga - Donbass, ông Zakharchenko nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ có một mục tiêu đó là sáp nhập với tổ quốc, tổ quốc của chúng tôi là nước Nga. Tất cả mọi hoạt động của ủy ban này đều nhắm tới mục tiêu duy nhất là quay trở về tổ quốc”.

Thực tế từ năm 2014, sau các cuộc biểu tình bạo lực lật đổ Tổng thống Viktor Yanucovich, lực lượng đòi độc lập ở khu vực Donbass đã nổi dậy chống lại Chính phủ Ukraine. Xung đột đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Phía Ukraine cáo buộc tất cả những diễn biến trên đều do Nga đứng phía sau “giật dây”. Trong khi Nga khẳng định không liên quan đến những cáo buộc trên của Kiev. Để hạ nhiệt căng thẳng, Nhóm tiếp xúc bao gồm đại diện của OSCE, Nga, Ukraine và hai CHND tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông, đã có nhiều cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk. Tuy nhiên, sau hơn 10 lần tuyên bố thỏa thuận Minsk song lệnh ngừng bắn vẫn bị phá vỡ và miền Đông Ukraine vẫn không im được tiếng súng.

Giới quan sát nhận định, mặc dù Nga đã từ chối việc sáp nhập hai nhà nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng vào nước này, nhưng Ukraine vẫn không từ bỏ mục tiêu công kích, đồng thời kêu gọi phương Tây gia tăng trừng phạt Matxcơva. Hành động mang tính thù địch này sẽ làm cho thỏa thuận Minsk khó thành hiện thực vì Nga là quốc gia quan trọng của Bộ tứ Normandy có tác động và tầm ảnh hưởng trực tiếp đến lệnh ngừng bắn tiến tới hòa bình ở miền Đông nước này. Điều này đồng nghĩa cuộc chiến ở miền Đông Ukraine sẽ còn tái diễn và câu hỏi bao giờ nơi đây ngưng tiếng súng vẫn chưa có lời đáp.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>