Lời giải cho bài toán xung đột ở Syria ?

12/10/2016 | 07:49 GMT+7

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria tiếp tục bị rơi vào thế bế tắc khi bất đồng Nga - Mỹ tiếp tục gia tăng. Tình hình lại càng khó khăn hơn khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa phủ quyết cả hai dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga đưa ra tại hội nghị mới đây.

Cuộc nội chiến tàn phá đất nước Syria. Nguồn: AP

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Pháp, đề nghị ngay lập tức chấm dứt các cuộc không kích và các chuyến bay quân sự trên vùng trời thành phố Aleppo của Syria, đồng thời kêu gọi lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo đến được với mọi vùng của Syria. Có 11 trong tổng số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu tán thành nghị quyết này. Tuy nhiên với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Nga đã bỏ lá phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết này. Đây là lần thứ năm Nga phủ quyết nghị quyết của LHQ về Syria. Bốn lần phủ quyết trước đó của Nga nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, song lần này Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Theo quan điểm của Nga, dự thảo nghị quyết của Pháp có một số điểm đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, dự thảo nghị quyết của Nga đưa ra tại Hội đồng Bảo an LHQ chú trọng hối thúc lệnh ngừng bắn, song không đề cập đến việc chấm dứt chiến dịch không kích, cũng thất bại do có 4 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và 9 phiếu chống. Trong đó có 3 phiếu phủ quyết của Anh, Pháp và Mỹ. Theo quy định để một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua, cần phải có ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào. Các quốc gia nắm trong tay lá phiếu phủ quyết bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc.

Sở dĩ thỏa thuận ngừng bắn tiến tới hòa đàm ở Syria liên tục bị phá vỡ là do quan điểm bất đồng giữa Nga - Mỹ trong vấn đề này. Bởi lẽ, hai quốc gia này đang chịu trách nhiệm chính hỗ trợ Syria tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làm trung gian để hòa giải ngừng bắn giữa các phe đối lập ở Syria. Theo đó, Mỹ cáo buộc Nga đã tấn công các khu dân sự và các bệnh viện ở Syria, cùng việc Chính quyền Damascus không hề cung cấp hàng cứu trợ cho các khu vực bị bao vây. Đồng thời cáo buộc máy bay của Nga không kích vào đoàn xe cứu trợ.

Ngược lại, Nga cáo buộc Mỹ chưa phân định rõ ràng các vùng lãnh thổ do IS, Jabhat al-Nusra hay các nhóm đối lập đang kiểm soát. Nga lo ngại Mỹ đang cố tình làm chậm tiến độ việc phân định này để gây sức ép đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức. Việc phân biệt nhóm khủng bố al-Nusra là việc vô cùng khó khăn bởi các tay súng của nhóm này đang trà trộn với các nhóm đối lập khác, vì vậy vấn đề đặt ra là Mỹ dự tính sẽ thực hiện thỏa thuận như thế nào. Hệ lụy của những mâu thuẫn trên giữa Nga và Mỹ đã biến chiến trường Syria trở thành nơi thể nghiệm sức mạnh quân sự của hai cường quốc này mà không giúp được nhiều việc đánh đuổi IS. Nói một cách khác, cách tiếp cận và mục tiêu của Nga và Mỹ quá khác biệt và đối lập nhau nên khó có thể có tiếng nói chung. Điều này đã đẩy cả Mỹ và Nga vào tình thế khó xử. Cả hai bên đều khó có thể giành chiến thắng thực sự và toàn diện nếu chỉ có một mình, song thực tế là cả hai bên dường như không thể hợp tác với nhau. Nga muốn giải quyết cuộc xung đột ở Syria theo cách riêng của mình, nhưng điều này lại mâu thuẫn với những gì mà Mỹ theo đuổi.

Gần đây nhất, việc Mỹ chấm dứt các cuộc đối thoại về cuộc khủng hoảng ở Syria càng khiến Nga cương quyết hơn khi quyết định sự hiện diện của quân đội vô thời hạn tại Syria cho dù có hội đàm hay không. Trong khi đó chính Mỹ mới là bên nắm chìa khóa mở ra cánh cửa tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. 

Hiện nay, các lực lượng của quân chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ mà quân nổi dậy từng chiếm giữ ở một số khu vực miền Tây. Các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, với sự hỗ trợ của không quân Nga và các tay súng của Iran, Lebanon và Iraq trên mặt đất, đã giành được lợi thế ở khu vực xung quanh chiến trường Aleppo. Việc này đồng nghĩa với những trận chiến đẫm máu sẽ còn diễn ra và người dân vô tội ở Syria tiếp tục gánh chịu thương vong. Lời giải cho bài toán xung đột ở Syria chỉ có khi bất đồng của Nga - Mỹ được giải tỏa và cả hai cùng có tiếng nói và hành động chung giúp Syria hòa giải mâu thuẫn nội bộ để tiêu diệt IS.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>