Lo ngại vi khuẩn “ăn thịt người” tấn công

29/12/2017 | 08:07 GMT+7

Tờ Asahi Shimbun dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, cho biết khoảng 525 người ở nước này đã bị nhiễm hội chứng sốc nhiễm khuẩn cầu chuỗi (STSS) trong năm 2017. Con số cao chưa từng thấy kể từ khi Tokyo bắt đầu theo dõi vấn đề này vào năm 1999.

Khuẩn liên cầu nhóm A thường được gọi là vi khuẩn “ăn thịt người” có thể gây hội chứng STSS dẫn tới tử vong trong vài giờ.  Ảnh: Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản

Trong số các trường hợp nhiễm STSS, 66 người ở Tokyo, 40 người ở Kanagawa, 32 người ở Aichi, 31 người ở Fukuoka và 28 người ở Hyogo. Phần lớn các bệnh nhân đều hơn 30 tuổi.

Bệnh STSS thu hút sự chú ý gần đây sau khi cựu người mẫu và vận động viên điền kinh Mỹ Lauren Wasser chia sẻ câu chuyện cô bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” do sử dụng băng vệ sinh quá lâu. Hậu quả là cô đã bị cắt bỏ chân phải.

Bệnh này gây hoại tử chân và cơ quan nội tạng, khiến bệnh nhân có thể tử vong trong vài giờ. Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc với vết thương viêm nhiễm và bắt đầu với triệu chứng sốt, sưng và đau ở chân và tay. Khi vi khuẩn lây lan khắp có thể qua đường máu, chúng bắt đầu “ăn” các cơ quan nội tạng và thịt, khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê, rối loạn và thậm chí tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm STSS rất cao, lên tới hơn 50%. Mặc dù vậy, bệnh có thể được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh hoặc cắt bỏ các phần chi bị hoại tử.

Theo báo Asahi, số bệnh nhân nhiễm STSS được ghi nhận vào năm 2013 là 203 người nhưng con số này đang tăng lên mỗi năm. Nguyên nhân gia tăng vẫn chưa được xác định. Bệnh chủ yếu do một vi khuẩn được gọi là liên cầu khuẩn, được biết đến nhiều hơn là liên cầu khuẩn nhóm A, thường gây viêm họng chủ yếu ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, một bộ phận của loại vi khuẩn này phát triển thành một chủng đặc biệt nguy hiểm và thường gây chết người.

Ngoài liên cầu khuẩn nhóm A, một số vi khuẩn khác như liên cầu khuẩn nhóm G cũng gây các chứng bệnh nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng.

Hồi cuối tháng trước, trang CBC News cho biết giới chức y tế ở Anh và Canada cũng đau đầu về đợt bùng phát bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A. Trong khi đó, trang Newsweek đưa tin vi khuẩn ăn thịt người xuất hiện bất thường ở Mỹ sau bão Irma và Harvey. Hồi tháng 9, một người đàn ông ở Texas nhập viện do nhiễm khuẩn từ nước lụt và một cụ bà 77 tuổi thiệt mạng sau khi ngã trong ngôi nhà bị ngập lụt và nhiễm vi khuẩn ăn thịt người.

Không chỉ có ở nước ngoài, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều cas vi khuẩn “ăn thịt người”. Năm 2013, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam thanh niên 40 tuổi ở Tiền Hải, Thái Bình trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử cánh tay trái. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng hoàn toàn giống với người bị nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Aeromonas hydrophila. Loại vi khuẩn này thường gây hoại tử vùng cổ, ngực, chân, tay, phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước bề mặt, gây bệnh cho cá, tôm, động vật lưỡng cư, đôi khi gây bệnh ở người.

Vi khuẩn này thường gây nên 3 thể bệnh chính: Tiêu chảy do uống nước nhiễm bẩn khuẩn này; Nhiễm trùng đường mật và huyết ở bệnh nhân xơ gan; Viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh có vết xây xát, tiếp xúc với nước bẩn, bùn có khuẩn này. Một khi vi khuẩn tấn công con người thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh tiến triển rất nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều, dễ sốc nặng dẫn đến suy đa tạng.

Như vậy, có thể nói, bất cứ ai - dù là bệnh nhân, bác sĩ hay người khỏe mạnh bình thường cũng đều cần thật cẩn thận, không được chủ quan trong chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, ngay cả khi có một vết xước trên da. Nếu tình trạng xước da không chuyển biến tích cực sau vài ngày, xuất hiện mụn rộp, da chuyển màu bất thường…, bạn cần đến thăm khám bác sĩ ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>