Lo âu về kinh tế toàn cầu

27/01/2016 | 07:28 GMT+7

Cách đây mấy hôm, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 đã kết thúc tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. Đây là sự kiện thường niên quy tụ nhiều chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và người nổi tiếng đến từ nhiều nước, bàn về các vấn đề kinh tế lớn toàn cầu. Diễn ra trong bối cảnh nhiều tín hiệu kinh tế không mấy sáng sủa, Diễn đàn năm nay nặng những âu lo về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab. Ảnh: AFP/TTXVN

Với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos tập trung thảo luận các rủi ro kinh tế, xã hội, cuộc chiến robot… Báo cáo về rủi ro kinh tế toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay cho thấy, nguy cơ chệch hướng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong đó, sự tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua của nền kinh tế Trung Quốc đang là mối quan ngại lớn. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết, GDP năm 2015 của nước này chỉ đạt mức 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Ngoài sự sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, diễn đàn năm nay nổi lên một số mối lo ngại khác như tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước, tác động của giá dầu thấp đối với ngân sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các thị trường chứng khoán trải qua những đợt lao dốc thảm hại. Do đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 và 2017 được dự báo lần lượt sẽ ở mức 3,3% và 3,4%, thấp hơn so với mức dự báo 3 tháng trước. Tại diễn đàn năm nay, biến đổi khí hậu cũng là một trong những đề tài trọng tâm của các cuộc thảo luận trong bối cảnh những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu phần lớn chưa đạt kết quả như mong đợi. Biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp cũng như toàn nhân loại, bao gồm gia tăng lũ lụt vùng ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái và tăng chi phí làm mát và tưới tiêu. Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra. Bên cạnh đó, sự gia tăng bất bình đẳng trong thu nhập trên toàn cầu khi mà chỉ có một nhóm nhỏ giàu nhất thế giới đang sở hữu lượng tài sản tương đương phần nửa dân số nghèo nhất cũng là quan ngại đến tăng trưởng. Tổ chức phi chính phủ Oxfam gần đây công bố các tính toán cho thấy, 62 tỉ phú giàu nhất thế giới hiện sở hữu lượng tài sản bằng 3,5 tỉ người nghèo nhất. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab khẳng định, báo cáo về rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã chỉ rõ một loạt rủi ro từ thiên tai đến biến đổi khí hậu và sự nổi lên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng các cuộc tấn công mạng đang ngày càng phức tạp. Và xét trong bối cảnh hiện nay, thì yếu tố kinh tế thuần túy mà cụ thể là sự tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua của nền kinh tế Trung Quốc đang là mối quan ngại lớn. 

Trước những thách thức nghiêm trọng trên, đe dọa đến kinh tế toàn cầu, trong 4 ngày với hơn 200 phiên họp, các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 tập trung bàn nhiều giải pháp tháo gỡ. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bàn các biện pháp phòng tránh sự lao dốc của thị trường chứng khoán và chống đỡ với tình trạng giá dầu giảm. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng hối thúc các nhà lãnh đạo thực hiện tốt những cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hiệp Quốc vừa qua tại Paris (Pháp), nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và cắt giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>