Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu: Bị cáo buộc tấn công thường dân Yemen

23/03/2016 | 16:59 GMT+7

Dưới danh nghĩa là không kích phiến quân và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để ủng hộ chính phủ Yemen nhưng thực chất các cuộc ném bom của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã gây ra rất nhiều thương vong cho dân thường. Hành động trên đã bị tổ chức nhân quyền Cao ủy Liên Hiệp Quốc (OHCHR) lên án là phạm các tội ác quốc tế.

Saudi Arabia không kích. Ảnh: ARMEDIA

Theo báo cáo của tổ chức OHCHR, đã có hơn 9.000 dân thường ở Yemen thương vong từ các cuộc không kích trên. Trong đó có 3.218 người thiệt mạng kể từ khi liên quân này can thiệp quân sự vào Yemen từ cuối tháng 3 năm ngoái nhằm ủng hộ Tổng thống Mansour Hadi. Người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein khẳng định liên quân do Saudi Arabia đứng đầu phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với thương vong dân thường ở Yemen, đồng thời cảnh báo liên quân có thể đã phạm các tội ác quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần tiến hành điều tra trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Từ những cáo buộc trên, các nước Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước khác đã tuyên bố ngừng tất cả việc bán thêm vũ khí cho Saudi Arabia cho đến khi nào nước này chấm dứt các cuộc không kích bất hợp pháp nhằm vào Yemen, đồng thời còn điều tra tất cả các cáo buộc vi phạm liên quan.

Về phần mình, liên quân khẳng định, các cuộc không kích không nhằm vào dân thường và các mục tiêu đều đã được xác định nhiều lần để đảm bảo dân thường không thiệt mạng. Người phát ngôn của liên quân, Chuẩn tướng Ahmed al-Assiri cho biết liên quân cũng đã tiến hành điều tra về các sự cố khác nhau và mức độ lạm dụng vũ lực chống dân thường trong cuộc chiến trên.

Trong một động thái liên quan, ông Assiri thông báo liên quân sắp chấm dứt các hoạt động can thiệp chủ chốt tại Yemen; đồng thời cho biết sẽ đưa ra các kế hoạch dài hạn nhằm mang lại sự ổn định, trong đó có việc tiếp tục hỗ trợ về không quân giúp các lực lượng Yemen chiến đấu với phiến quân Houthi trên chiến trường.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9-2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại Saudi Arabia. Thông qua sự kêu gọi hỗ trợ của Yemen, lực lượng liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích phiến quân Houthi và IS từ tháng 3-2015 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7-2015.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó LHQ cũng tuyên bố sẽ bảo trợ để tìm một giải pháp hòa bình cho Yemen. Động thái này của LHQ được nhiều quốc gia ủng hộ. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của LHQ nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Yemen. Theo ông , đây không chỉ là nền tảng để đạt được một giải pháp chính trị ở Yemen mà còn nhằm tạo điều kiện cho phép các tổ chức nhân đạo vận chuyển hàng cứu trợ và thiết bị y tế tới các ngôi làng ở biên giới Yemen để cứu giúp người dân nơi đây đang sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ. Tuy nhiên, người phát ngôn của liên minh Arab khẳng định, Riyadh nỗ lực tìm một giải pháp chính trị tại Yemen nhưng sẽ không có bất cứ cuộc thương lượng nào với phiến quân Houthi.

Vấn đề này cũng được Ngoại trưởng Yemen Abdul Malek al-Mekhlafi nêu quan điểm rõ ràng, Yemen sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán bí mật nào với lực lượng Houthi ngoài các cuộc đàm phán do phái viên LHQ bảo trợ.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù chưa thể kết luận có phạm tội ác quốc tế theo cáo buộc của OHCHR nhưng việc liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu gây nhiều thương vong không cần thiết đối với dân thường là hành động đáng chê trách. Hệ lụy của hành động này đã đẩy người dân Yemen vốn đã khốn khó do chiến tranh triền miên lại phải gánh chịu thêm những mất mát không thể khắc phục. 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>