Ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

25/04/2016 | 06:54 GMT+7

Liên Hiệp Quốc vừa tổ chức lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất tại trụ sở ở thành phố New York (Mỹ). Đây là một sự kiện được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, vì đó là vấn đề có ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) phát biểu tại lễ khai mạc ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: THX/TTXVN

Đến tham dự lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có khoảng 170 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon khẳng định, Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và là cách duy nhất để cứu Trái Đất. Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới. Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế, bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng một lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Hiệp định này là thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được nhất trí thông qua trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) do Pháp chủ trì, diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái. Trong COP21, 195 nước tham dự đã cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỉ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để có hiệu lực, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu phải được thông qua bởi ít nhất 55 bên tham gia COP21, chịu trách nhiệm gây ra ít nhất 55% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới. Hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi các nước thông qua. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu yêu cầu các bên tham gia cam kết và không ngừng nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời cũng mang lại cơ hội cho các bên trong việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển các-bon thấp, thúc đẩy tăng cường liên kết khu vực, hướng đến mô hình tăng trưởng phát thải ít các-bon ở phạm vi quốc gia và toàn cầu. Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu. Nó bao gồm cơ chế xác định giá trị của tổn thất và thiệt hại để Việt Nam có thể giải quyết các rủi ro khí hậu và những ảnh hưởng vượt ra ngoài những nỗ lực thích ứng. Gần đây, Việt Nam đang phải chịu sự xâm nhập mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở một số vùng miền, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa gia tăng đều có liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, biến đổi khí hậu đang được coi là nguy cơ nghiêm trọng hàng đầu mà thế giới đang phải đối mặt.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>