Khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên

29/09/2017 | 07:52 GMT+7

Việc “đấu khẩu” giữa Mỹ và Triều Tiên đã vượt xa tầm kiểm soát và mang tính khiêu khích cao độ làm cho nhiều người lo ngại cuộc chiến sắp nổ ra.

Các tên lửa đạn đạo của đơn vị pháo binh Hwasong thuộc Quân đội Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên.  Nguồn: EPA/TTXVN

Liên tục những tuần gần đây, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều có những phát biểu mang tính kích động đã khiến dư luận lo ngại nguy cơ chiến tranh sẽ xảy ra. Bởi lẽ chỉ cần một tính toán sai lầm có thể dẫn tới hành động với những hậu quả khôn lường, nhất là sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất từ trước tới nay hôm 3-9 vừa qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cảnh cáo rằng Washington hoàn toàn chuẩn bị cho giải pháp quân sự đối với Triều Tiên nhưng phương án này có thể là “tàn phá” với Bình Nhưỡng. Hay nói một cách khác, nếu chọn giải pháp quân sự thì Triều Tiên sẽ đối mặt với nguy cơ hủy diệt.

Trước đó, Tổng thống Trump trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đe dọa “hoàn toàn hủy diệt Triều Tiên” nếu buộc phải tự vệ và bảo vệ đồng minh, đồng thời còn nhận định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang trong “sứ mệnh tự sát”.

Đáp trả những tuyên bố của Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh cáo tên lửa của Triều Tiên có thể “đến thăm” lãnh thổ Mỹ. Ngoại trưởng Ri Yong-ho đồng thời khẳng định chính Tổng thống Mỹ Trump mới là người đang trong “sứ mệnh tự sát”.

Thực tế, tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới nước Mỹ là điều mà các nhà phân tích dự đoán hoàn toàn có thể xảy ra. Chính Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford nhấn mạnh Washington cần phải thừa nhận rằng Triều Tiên có khả năng tấn công lục địa Mỹ và Bình Nhưỡng. Bởi lẽ, Triều Tiên đã sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên,  Tướng Joseph Dunford, nhận định rằng Washington chưa phát hiện thấy bất kỳ thay đổi nào trong bố trí quân sự của Triều Tiên. Đây là biểu hiện cho thấy mối đe dọa gia tăng và Washington đang theo dõi chặt chẽ Bình Nhưỡng.

Bên cạnh “khẩu chiến”, hiện nay Mỹ liên tục áp đặt lệnh trừng phạt gia tăng sức ép lên Triều Tiên. Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa công bố thêm một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng của Triều Tiên. Theo đó, lệnh trừng phạt mới này sẽ nhằm vào 8 ngân hàng và 26 cá nhân Triều Tiên, với cáo buộc hỗ trợ hoạt động tài trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đều đang làm việc tại các nước như Trung Quốc, Nga, Libya và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất. Như vậy, cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tiến hành năm vòng trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Đây là bước tiến xa hơn của chúng tôi trong chiến lược nhằm cô lập hoàn toàn Triều Tiên để đạt được các mục tiêu rộng lớn hơn về một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân hóa”.

Như vậy cùng lúc với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ, lệnh trừng phạt của Mỹ và các quốc gia liên quan lần này nhằm vào Bình Nhưỡng đã có tác động rất lớn đến kinh tế nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ gánh chịu thêm nhiều khó khăn cả kinh tế, chính trị và đối ngoại.

Trong một diễn biến liên quan, ông Donald Trump cũng đã chỉ trích những người tiền nhiệm vì đã không “kiểm soát được tình hình” cách đây vài năm khi điều này vẫn còn “khá dễ dàng”: “Vấn đề đáng nhẽ phải được giải quyết cách đây 25 năm, 20 năm, 15 năm, 10 năm và thậm chí là 5 năm. Bởi khi đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi sẽ giải quyết được”.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia liên quan phản đối mạnh mẽ giải pháp quân sự được Mỹ đưa ra. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên cần được giải quyết thông qua đối thoại, các biện pháp quân sự không phải là một lựa chọn.

Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định cuộc khẩu chiến của ông Trump với Triều Tiên có thể không phải là phương pháp tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ Trump tập trung vào tăng cường áp lực ngoại giao đối với Bình Nhưỡng nhằm gây sức ép tối đa với Triều Tiên để buộc nước này trở lại đàm phán.

Đàm phán hòa bình là giải pháp khả thi được nhiều quốc gia đưa ra. Tuy nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa chịu hạ giọng để tìm tiếng nói chung nên giải pháp này còn quá xa vời, khó thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>