IS đe dọa tấn công khắp nơi

30/11/2017 | 08:21 GMT+7

Thất bại gần như hoàn toàn ở chiến trường Trung Đông, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang lâm vào đường cùng nên đe dọa sẽ khủng bố khắp nơi trên thế giới.

Khói bốc lên nghi ngút tại hiện trường vụ tấn công đền thờ Al Rawdah ngày 24-11. Ảnh: Terris/TTXVN

Động thái quen thuộc của IS là kêu gọi các phiến quân tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố khắp nơi, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ai Cập nhân dịp lễ Giáng sinh, đặc biệt là nhằm vào các khu chợ. IS đã tuyên truyền một số hình ảnh trên các ứng dụng tin nhắn, trong đó có hình Ông già Noel bị trói tay và quỳ gối, đằng sau là một phiến quân đứng ở một nơi được cho là phố Regent ở London (Anh). Ngoài ra, IS cũng lan truyền hình ảnh của nhiều địa điểm nổi tiếng trong dịp lễ Giáng sinh, trong đó có Tháp Eiffel ở Paris (Pháp), bên cạnh các hình ảnh liên quan đến khủng bố. Tờ Epoch Times (có trụ sở tại Mỹ) cho biết cơ quan tình báo mạng BlackOps Cyber đã ngăn chặn những hình ảnh nói trên vài ngày trước.

Thực tế, lời đe dọa của IS được lan truyền chỉ vài ngày sau khi giới chức Đức bắt giữ 6 người Syria hôm 21-11 vừa qua vì bị nghi ngờ lên kế hoạch cho một vụ tấn công bằng vũ khí hoặc chất nổ. Thực tế, lời đe dọa này cũng bị IS thực hiện ở nhiều quốc gia liên quan.

Tại Ai Cập, sau vụ tấn công tại đền thờ Hồi giáo Rawdah tại một ngôi làng cùng tên ở ngoại ô thành phố Al Arish thuộc tỉnh Bắc Sinai hôm 24-11 đã làm 305 người thiệt mạng trong đó có 27 trẻ em và bị thương 128 người, mới đây, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, lực lượng cảnh sát đã tiêu diệt 11 tên khủng bố trong một cuộc đọ súng tại nơi trú ẩn ở thành phố Ismailia. Đây là lần đầu tiên các phần tử khủng bố tấn công thánh đường Hồi giáo ở Ai Cập. Quy mô và mức độ tàn bạo của vụ tấn công cũng cho thấy sự liều lĩnh và nguy hiểm của khủng bố.

Mặc dù, Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi hứa sẽ tiêu diệt tận gốc các phần tử khủng bố nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh đất nước, nhưng thực tế rất khó biến tuyên bố này thành hiện thực. Bởi lẽ, từ những cuộc khủng bố gần đây đã phơi bày “chiến lược mới” của các phần tử khủng bố ở Ai Cập, với các mục tiêu tấn công đã được chúng mở rộng. Nếu như trước đây lực lượng quân đội, cảnh sát, quan chức chính phủ, người nước ngoài, trụ sở các cơ quan trọng yếu và cơ quan đại diện ngoại giao... là những mục tiêu tấn công của khủng bố, thì nay chúng hướng tới cả cộng đồng Cơ đốc giáo và người Hồi giáo, với nhiều phương thức tấn công khác nhau như xả súng, tấn công liều chết bằng bom xe hoặc đai bom... Trước đó, năm 2016, các phần tử khủng bố đã tấn công nhằm vào cộng đồng người Cơ đốc giáo thiểu số khiến hơn 100 người thiệt mạng,

Cùng thời gian này, các nhóm khủng bố đang âm mưu tiến hành các vụ tấn công đẫm máu trên lãnh thổ Mỹ và các nước tham gia liên quân chống khủng bố. Dù mức độ thảm khốc của các âm mưu này (nếu xảy ra) không thể so được với các vụ trong sự kiện 11-9 cách đây 16 năm tại Mỹ với gần 3.000 người thiệt mạng, nhưng con số thương vong có thể lên tới hàng trăm. Giáo sư Clive Williams, Trường Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh vào thời điểm hiện tại, hầu hết các cuộc tấn công khủng bố của IS mang tính nghiệp dư và không thể gây thương vong lớn. Những vụ tấn công quy mô lớn khiến nhiều người thương vong thường là do đã nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài hoặc do các tay súng từ Syria và Iraq tiến hành.

Cùng nỗi lo trên, cảnh sát Anh vừa thực hiện gấp việc điều động lực lượng tới quận buôn bán sầm uất Oxford Street ở thủ đô London sau khi nhận được thông tin đã xảy ra nổ súng, khiến mọi người lo ngại một vụ khủng bố. Mặc dù chỉ là cảnh báo giả nhưng đã có 16 người đã bị thương khi mọi người sợ hãi bỏ chạy. Đám đông chạy khỏi hiện trường, gây ra cảnh náo loạn tại một đất nước từng phải chứng kiến 5 vụ tấn công khủng bố kể từ tháng 3 vừa qua.

Trong khi đó, tại Iraq, Syria, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu và không quân Nga đã mở rộng tấn công IS dồn chúng vào đường cùng. Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn với các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), tuyên bố giải phóng thành phố Raqqa, thủ phủ tự xưng cuối cùng của IS ở miền Bắc Syria trong hơn 3 năm qua.

Còn tại Syria, Bộ Quốc phòng Nga, cho biết không quân Nga đã tấn công một số thành trì cũng như những nơi tập trung nhiều tay súng IS ở thung lũng Euphrates. Các máy bay không người lái Nga đã ghi nhận tất cả số mục tiêu đều đã bị tiêu diệt. Từ đầu tháng 11-2017, quân đội Nga đã tiến hành hàng chục vụ không kích nhằm vào các nhóm khủng bố ở Syria, tạo điều kiện để quân đội nước này giải phóng gần như hoàn toàn đất nước. 

Như vậy, những thành trì cuối cùng của IS ở Trung Đông đã bị tiêu diệt nên lực lượng khủng bố này không còn nơi bám víu, từ đó dẫn đến những hành động khủng bố trả thù đẫm máu khắp nơi. Đây thật sự là nỗi lo cho những quốc gia liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>