Giải pháp hòa đàm liên Triều: Tín hiệu lạc quan nhưng khó thành hiện thực

19/07/2017 | 08:30 GMT+7

Sau nhiều căng thẳng leo thang, Hàn Quốc đã lên tiếng đề nghị tổ chức đàm phán quân sự với Triều Tiên nhằm giảm tình trạng căng thẳng dọc theo tuyến biên giới. Đây là bước tiếp theo trong đề nghị hòa đàm gần đây mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang theo đuổi.

Cuộc tập trận bắn đạn thật chống máy bay của quân đội Triều Tiên tại một địa điểm bí mật ở khu vực phía Tây biên giới liên Triều. Nguồn: EPA/TTXVN  

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul mong muốn tổ chức cuộc gặp hiếm hoi này vào ngày 21-7 tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên trong làng đình chiến Panmunjom, với mục đích ngừng “tất cả các hành động thù địch” gần đường phân định quân sự phân chia hai miền. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra một đề nghị riêng rẽ về việc mở các cuộc đàm phán chữ thập đỏ để thảo luận việc nối lại các hoạt động đoàn tụ gia đình. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong sáng kiến của Tổng thống Moon Jae-in nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên, kể từ khi vị tổng thống này nhậm chức đến nay. Tuy nhiên, sáng kiến này đã gây ra phản ứng trái chiều giữa các chính đảng tại Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ cầm quyền hoan nghênh đề nghị trên là một “bước đi kịp thời” để Hàn Quốc nắm giữ vai trò dẫn dắt trong nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho rằng không nên có sự phân biệt về tư tưởng hay đảng phái trong các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng liên Triều và thúc đẩy đối thoại song phương.

Đồng quan điểm trên, Đảng Nhân dân theo đường lối trung tả cũng hoan nghênh đề nghị này, nhấn mạnh hai miền Triều Tiên cần xem xét vấn đề các gia đình bị ly tán từ quan điểm nhân đạo và cho rằng không nên “quá vội vàng” theo đuổi đối thoại quân sự khi Triều Tiên vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích vũ trang.

Còn Đảng Bareun theo đường lối bảo thủ thì đòi chính phủ ưu tiên giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và nêu rõ rằng việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán cần phải được tiến hành một cách vô điều kiện

Trong khi đó, Đảng Hàn Quốc Tự do đối lập chính mặc dù cũng bày tỏ nhất trí về nguyên tắc tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không đồng tình với đề nghị trên. Đảng này cho rằng, đề nghị này là một động thái “đơn phương” trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tiến hành các hành động khiêu khích.

Như vậy, xét trên bình diện chung đa số các đảng phái ở Hàn Quốc đều thống nhất với giải pháp đối thoại hòa bình. Tuy nhiên, đề nghị này khó thành hiện thực vì tác động từ các bên liên quan.

Trước tiên, từ phía Triều Tiên, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên mới đây nhận định, “thật may mắn” khi ông Moon đã đề cập đến những cam kết của phía Seoul về việc thực hiện 2 tuyên bố chung mang tính lịch sử, được ký kết trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào các năm 2000 và 2007. Hai tuyên bố này thúc đẩy hợp tác, trao đổi và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, bài báo trên cho rằng sáng kiến hòa bình mà ông Moon đưa ra tại Đức sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều đang trong tình trạng căng thẳng, đồng thời đề nghị Seoul cần có “sự thay đổi cơ bản trong chính sách và lập trường”.

Trong một diễn biến khác, Triều Tiên cho rằng việc Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sức ép sẽ cản trở mọi triển vọng đàm phán. Bình Nhưỡng, nêu rõ: “Mỹ cần hiểu rằng một khi họ chưa dừng tiến hành các chính sách thù địch chống Triều Tiên, chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trở thành chủ đề thảo luận và mọi cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ không bao giờ diễn ra. Đồng thời cảnh báo, Triều Tiên sẽ không dung thứ cho các biện pháp trừng phạt mang tính khiêu khích của Mỹ và các thế lực thù địch khác”.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ đang cân nhắc một số biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Triều Tiên để ngăn cản nước này tăng cường chi tiền cho phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Bên cạnh đó, EU cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ Hàn Quốc trong những nỗ lực đàm phán với Triều Tiên.

Từ những phản ứng trái chiều trên của các bên liên quan cho thấy giải pháp đàm phán hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên theo đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là tín hiệu khả quan nhưng khó thành hiện thực.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>