Đồng loạt phản đối Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

15/01/2016 | 07:24 GMT+7

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục thử nghiệm các chuyến bay tới đường băng do nước này xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm cho nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế quan tâm lo ngại, đồng thời cực lực lên án. Hành động trên của Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Đường băng Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  Ảnh: AFP

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose mới đây cho biết, Philippines phản đối Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ông cho rằng, những hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng bày tỏ quan ngại rằng những chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc có thể dẫn tới việc Bắc Kinh kiểm soát cả vùng trời lẫn vùng biển trong khu vực này.

Trong một động thái liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho rằng, hành động bay thử nghiệm của Trung Quốc sẽ làm cho tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên khó khăn do sự xói mòn lòng tin giữa các nước đối với Bắc Kinh. Điều này sẽ gây khó khăn hơn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa các quốc gia liên quan. 

Còn báo Bangkok Post, Thái Lan cũng đã đăng bài phân tích khá thuyết phục các thủ thuật của Trung Quốc trên Biển Đông với mưu đồ độc chiếm khu vực này; đồng thời khẳng định căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông hiện nay, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã tạo ra và kéo dài các xung đột không cần thiết hết sức nguy hiểm.

Phản ứng trước hành động trên của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự; và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Không chỉ các nước trong khu vực lên án hành động độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc mà nhiều quốc gia liên quan cũng có những động thái tương tự. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không được lợi dụng sức mạnh quân sự của mình để chèn ép các nước khác trong tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho rằng, việc cải tạo đảo và có những hành động hiếu chiến trong khu vực là phản tác dụng. Cùng chung quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc cưỡng chế thay đổi hiện trạng Biển Đông - hành vi mà Mỹ và các đồng minh đều quyết tâm chống lại”.

Mặc dù bị cả thế giới lên án nhưng Bắc Kinh đã và đang mở rộng lấn chiếm trái phép Biển Đông bằng nhiều hình thức. Theo đó, trước tháng 1-2014, Trung Quốc mới chỉ cải tạo được khoảng 5ha các bãi đá ở Biển Đông, nhưng chỉ sau nửa năm đã lên đến 800ha. Không chỉ cải tạo, Trung Quốc còn rầm rộ xây dựng rất nhiều công trình trong đó có sân bay trên các đảo nhân tạo nói trên. Điều đáng quan tâm là các đường băng có chiều dài lên đến 3km đủ để máy bay quân sự các loại của nước này hoạt động trên các bãi Subi và Vành Khăn, cùng nhiều trạm radar và các doanh trại. Hiện nay, Bắc Kinh đang có kế hoạch tăng gấp 4 lần số đường băng sân bay ở đây. Các chuyên gia nhận định, các đường băng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp nhiên liệu và vũ khí tại chỗ mà không phải quay trở lại đảo Hải Nam cách đó gần 1.000km.

Đáng quan ngại hơn nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện Phòng không ADIZ ở Biển Đông thì sẽ khống chế gần như toàn bộ vùng trời đi qua Biển Đông. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục hãng hàng không của rất nhiều nước đang hoạt động.

Theo giới phân tích, cùng với các quốc gia ven Biển Đông, nhất là Cộng đồng ASEAN cần đoàn kết chặt chẽ kiên quyết đấu tranh với những hành động ngang ngược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, các quốc gia liên quan cần có những giải pháp mạnh tay hơn để buộc Bắc Kinh ít nhất, phải nhận thức được sai lầm này và nghiêm túc thực hiện Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS) của Liên Hiệp Quốc nhằm trả lại nguyên trạng và an toàn vốn có trên Biển Đông như trước đây.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>