Đối phó nguy cơ khủng bố hạt nhân

04/04/2016 | 06:11 GMT+7

Hiện nay, các tổ chức khủng bố đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới và đã gây ra tai họa cho nhiều người dân vô tội của các quốc gia. Cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó đáng quan tâm là đối phó nguy cơ khủng bố hạt nhân, nhằm tránh gây tai họa cho nhân  loại.

Lãnh đạo cấp cao các quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 4 ở Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Mới đây, tại thủ đô Washington (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 50 quốc gia. Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay diễn ra nhằm mục đích thúc đẩy cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu. Hội nghị năm nay còn là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Đây là hội nghị lần thứ tư về an ninh hạt nhân kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền ở Mỹ. Các hội nghị trước diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ) năm 2010, Seoul (Hàn Quốc) năm 2012, La Hay (Hà Lan) năm 2014.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn việc để các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan. Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh đây vẫn là một nguy cơ gia tăng thường trực. Tuyên bố chung khẳng định: “Còn nhiều việc cần phải làm để ngăn chặn các lực lượng phi nhà nước sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ, mà có thể được sử dụng cho các mục đích đen tối… Chúng tôi tái khẳng định cam kết với mục tiêu chung về giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”.

Bên là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay còn diễn ra các cuộc gặp song phương của một số nhà lãnh đạo các nước. Trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp, hai bên đã ra tuyên bố chung gồm 10 điểm với một số nội dung chính: Hai bên cam kết hợp tác thúc đẩy môi trường quốc tế hòa bình và ổn định qua việc giảm bớt mối đe dọa về khủng bố hạt nhân, phấn đấu vì một cơ cấu hạt nhân toàn cầu ổn định, bao gồm tất cả các bên và mang tính phối hợp hơn. Hai nước bày tỏ cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết thách thức an ninh hạt nhân, kể cả sau khi tiến trình hội nghị thượng đỉnh hạt nhân hiện nay kết thúc. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện thỏa thuận song phương ký kết hồi năm ngoái nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui” - cụm từ chỉ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật Bản thời chiến tranh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ sẵn sàng theo đuổi thỏa thuận giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”, mặc dù vẫn còn một số trở ngại giữa hai nước liên quan  đến vấn đề này. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định Hàn Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận trên một cách chân thành. Tháng 12 năm 2015, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết triệt để vấn đề “phụ nữ mua vui”. Phía Nhật Bản đồng ý nhận trách nhiệm về vấn đề phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cam kết đóng góp 8,9 triệu USD vào một quỹ được Chính phủ Hàn Quốc lập ra để hỗ trợ các nạn nhân. Phía Hàn Quốc cam kết chấm dứt cuộc tranh cãi này nếu phía Nhật Bản hoàn tất các trách nhiệm của mình. Ước tính có 200.000 phụ nữ , phần đông là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, nơi từng là thuộc địa của Nhật Bản trong những năm 1910-1945, đã bị ép buộc  phục vụ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản thời Chiến tranh thế giới thứ hai.. Việc giải quyết vấn để này đang trở nên cấp bách do nhiều nạn nhân đã qua đời. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân còn có cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những nỗ lực tăng cường hợp tác song phương trong cuộc chiến chống khủng bố, về khả năng lập một chính phủ mới ở Libya và cách thức hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này trong cuộc chiến chống các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Mỹ Barack Obama còn có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và vấn đề người di cư. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân còn có cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Hai bên kêu gọi thúc đẩy các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ thế bế tắtc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên liên quan cần tuân thủ chặt chẽ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đồng thời khẳng định quyết tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn đinh và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Park Geun-hye khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng duy trì hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc về các vấn đề có liên quan.

Cộng đồng quốc tế hy vọng các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm nay sẽ được các bên có liên thực thi một cách chặt chẽ nhằm tránh nguy cơ khủng bố hạt nhân đối với nhân loại.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>