Cuộc hòa đàm đầy khó khăn

28/03/2016 | 07:03 GMT+7

Vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ giữa đại diện Chính phủ Syria và đại diện phe đối lập diễn ra từ ngày 14-3 và đã kết thúc vào ngày 24-3 tại Geneva (Thụy Sĩ) vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể, do hai bên vẫn còn có những quan điểm khác biệt.

Toàn cảnh cuộc hòa đàm Syria tại Geneva, Thụy Sĩ.    Ảnh: AFP/TTXVN

Tại vòng đàm phán hòa bình Syria vừa qua ở Geneva, bên cạnh rào cản lớn nhất liên quan tới tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad do Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh nhiều nhóm đối lập ở Syria, liên tục yêu cầu ông Assad phải rút lui trước khi đi đến thỏa thuận thành lập chính phủ chuyển tiếp, các bên còn phải đối mặt với những thách thức mới khi cộng đồng người Kurd ở Syria tuyên bố liên kết thành lập “hệ thống liên bang” tại nhiều tỉnh của Syria. Đây thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên mong manh bởi người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi vòng đàm phán kết thúc, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã gửi tới phái đoàn của Chính phủ Syria bản đề xuất. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar Ja’afari cho biết sẽ xem xét bản đề xuất của Liên Hiệp Quốc ngay sau khi trở lại thủ đô Damasscus và sẽ đưa ra câu trả lời ngay khi vòng đàm phán mới bắt đầu. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết sẽ đặt mục tiêu khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình Syria vào ngày 9-4 tới, bất chấp việc Chính phủ Syria đề nghị lùi lại cho tới sau khi nước này tiến hành bầu cử quốc hội vào ngày 13-4. Ông Staffan de Mistura nhấn mạnh: “Tôi trông đợi và hy vọng rằng vòng đàm phán sắp tới sẽ không tập trung lại vào các nguyên tắc (đàm phán) nữa, chúng ta đã có đủ các nguyên tắc rồi, mà sẽ cần bắt đầu tập trung vào tiến trình chính trị”. Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh nhiều nhóm đối lập ở Syria, khẳng định phản đối bất kỳ kế hoạch nào của Chính phủ Syria trì hoãn vòng đàm phán hòa bình tiếp theo cho tới sau cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 13-4 tới. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar Ja’afari cho hay, phái đoàn của Chính phủ Syria sẽ không sẵn sàng tham gia đàm phán cho tới khi quốc hội nước này tổ chức bầu cử.

Trong lúc cuộc đàm phán hòa bình Syria còn diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov bàn về tình hình Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga và Mỹ đã nhất trí quan điểm rằng, tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không nên đưa ra thảo luận vào thời điểm hiện nay. Phát biểu đánh giá kết quả chuyến thăm Nga mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nhìn chung tiến trình chính trị tại Syria đã trở nên khả thi hơn.

Cuộc xung đột trong hơn 5 năm qua ở Syria đã làm hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi lánh nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Tuy các bên đối địch đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, nhưng quan điểm còn cách biệt. Trong các cuộc đàm phán, đại diện của Chính phủ Syria luôn bác bỏ mọi cuộc tranh luận về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn lãnh đạo của các tổ chức đối lập vẫn khăng khăng rằng việc ông này phải ra đi sẽ là một phần trong tiến trình chuyển giao quyền lực. Do vậy, vòng đàm phán sắp tới nếu được tiến hành sẽ gặp không ít khó khăn.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>