Cuộc đàm phán đầy khó khăn

29/01/2016 | 08:01 GMT+7

Hôm nay (29-1), cuộc đàm phán hòa bình về Syria sẽ chính thức khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ) và dự kiến sẽ kéo dài trong 6 tháng. Đây là cuộc đàm phán giữa các phe phái đối địch ở Syria. Giới phân tích nhận định cuộc đàm phán này sẽ diễn ra đầy khó khăn.

Cuộc họp của HĐBA LHQ về nghị quyết khôi phục hòa bình cho Syria. Ảnh:  TTXVN

Cuộc đàm phán lần này dự định khai mạc vào ngày 25-1, tuy nhiên do bế tắc liên quan đến thành phần tham gia phái đoàn đàm phán nên thời gian phải lùi lại. Theo ông Staffan de Mistura, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria, cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cứu trợ nhân đạo.

Các cuộc đàm phán hòa bình Geneva là một phần trong kế hoạch kéo dài 18 tháng đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12 năm ngoái nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Nga, Mỹ và các nước Nhóm quốc tế ủng hộ Syria sẽ không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria mà chỉ hỗ trợ các bên ở Syria có thể đạt thỏa thuận về tiến trình chuyển tiếp vốn đã được Liên Hiệp Quốc nhất trí. Trước khi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình về Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, các bên cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bao gồm thành lập một phái đoàn đại diện cho phe đối lập và thảo luận việc thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các nhóm khủng bố, ngừng bắn, giải quyết các vấn đề nhân đạo và đề ra các cải cách chính trị trên cơ sở đồng thuận giữa chính phủ và phe đối lập. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên tại Syria thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin bảo đảm một thỏa thuận ngừng bắn và đàm phán chính trị, đồng thời kêu gọi các quốc gia sử dụng ảnh hưởng của mình với chính phủ và phe đối lập tại Syria để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia này.

Trước khi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình về Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng, các phe nhóm đối lập tại Syria có cơ hội lịch sử để tới Geneva và đề xuất các cách thức nghiêm túc, thiết thực nhằm thực thi ngừng bắn, tiếp cận nhân đạo và các biện pháp xây dựng lòng tin khác. Theo ông Toner, lực lượng đối lập tại Syria nên tham gia đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời cần thể hiện thiện chí đối với tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Syria. Vì các phe nhóm đối lập tại Syria đã đưa ra điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán là ngừng ném bom và chấm dứt các cuộc bao vây. Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc thảo luận kéo dài một ngày tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia về việc có nên tham gia tiến trình hòa đàm tại Geneva hay không, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhóm đối lập chính Liên minh Dân tộc Syria và nhiều phe phái nổi dậy lớn đang tham chiến tại quốc gia Trung Đông này, đã đề cập tới sự cần thiết phải nhận thức được những tiến triển thực sự trên thực địa trước khi bắt đầu tiến trình đàm phán.

Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài hơn 4 năm và làm hơn 250.000 người thiệt mạng, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất châu Âu. Rõ ràng, cuộc đàm phán hòa bình cho Syria là hết sức cần thiết, giúp cho quốc gia Trung Đông này hết cảnh loạn ly. Tuy nhiên, các bên đến dự đàm phán với nhiều quan điểm và toan tính khác nhau, nên cuộc đàm phán sẽ có nhiều gay cấn, khó khăn.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>