Cuộc chiến chống IS tại Libya

23/05/2016 | 07:14 GMT+7

Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không chỉ chiếm đóng vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria mà còn kiểm soát các vùng đất tại Libya. Chính vì vậy mà cuộc chiến chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan này cũng đang diễn ra quyết liệt tại quốc gia Bắc Phi này.

Từ trái sang: Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni trong cuộc họp báo sau hội nghị ở Vienna. Nguồn: EPA/TTXVN

Từ sau cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi hồi tháng 8 năm 2011 đến nay, Libya luôn chìm đắm trong bất ổn và lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang gia tăng hoạt động tại quốc gia Bắc Phi này. Từ giữa năm 2014, Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch nhau. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận lập ra đã buộc phải chuyển tới thành phố miền Đông Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ tự xưng với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp mãn nhiệm. Lợi dụng sự bất ổn này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các khu vực có dầu mỏ.

Dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) đã được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký hồi tháng 12 năm 2015. Chính phủ này đã đi vào hoạt động sau khi Thủ tướng Fayez al-Sarraj từ Tunisia về Tripoli vào ngày 30 tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội được quốc tế công nhận do ông Aguila Saleh lãnh đạo vẫn chưa chính thức công nhận Chính phủ đoàn  kết dân tộc (GNA).

Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) cũng đã thành lập một bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp có nhiệm vụ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời cũng cho biết đang chuẩn bị tiến hành chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Sirte cách thủ đô Tripoli 450km về phía Đông đã rơi vào tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ năm 2015. Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) đã kêu gọi tất cả các lực lượng quân sự ở Libya chờ chỉ thị từ bộ chỉ huy quân sự hỗn hợp và không tiến hành bất kỳ một cuộc tấn công đơn phương nào nhằm vào thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thành phố Sirte.

Mới đây, tại thủ đô Vienna của nước Áo đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Libya dưới sự đồng chủ trì của các ngoại trưởng Mỹ và Italia nhằm tìm giải pháp đảm bảo ổn định tình hình chính trị tại Libya để hỗ trợ cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia Bắc Phi này. Tại hội nghị, các nước phương Tây cam kết sẽ hỗ trợ Libya đào tạo quân đội và thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ và ủng hộ chính trị của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ được quốc tế công nhận của Thủ tướng Fayez al-Sarraj nhằm thống nhất và ổn định tình hình tại quốc gia Bắc Phi này. Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần phải có trách nhiệm đối với tình hình hiện nay tại Libya, nhất là trên mặt trận chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, hiện Libya đang phải đối mặt với tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ, khi các lực lượng chính trị đối lập tẩy chay Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) dưới sự điều hành của Thủ tướng Fayez al-Sarraj. Điều này gây trở ngại cho tiến trình thống nhất và ổn định tại quốc gia Bắc Phi này, ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang mở rộng sự kiểm soát tại quốc gia này.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>