“Chúng ta vẫn là bạn”

30/03/2016 | 07:11 GMT+7

Sau khi sự cố đối đầu giữa tàu hải cảnh của Trung Quốc với một tàu vũ trang của Indonesia xảy ra trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, một quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã gọi điện cho một nhân vật cấp cao trong Chính phủ Indonesia với đề nghị không công bố cho truyền thông vì dù gì “chúng ta vẫn là bạn”.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc.  Nguồn: Reuters

Vừa qua, một tàu tuần tra của Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia đã chặn tàu cá Kway Fey của Trung Quốc và bắt giữ 8 thuyền viên với cáo buộc đánh bắt cá trái phép ở vùng biển gần quần đảo Natura trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Trong  lúc tàu tuần tra Indonesia tìm cách lai dắt tàu Kway Fey, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc liên lạc với tàu tuần tra Indonesia yêu cầu thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Indonesia sau đó đã trả tự do cho tàu cá Kway Fey nhưng vẫn bắt giữ 8 thuyền viên.

Sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ Indonesia đã tổ chức một cuộc họp báo, công kích hành động ngang ngược của Trung Quốc. Giới phân tích nhận định, đây là phản ứng khác biệt của Indonesia, cho thấy thái độ quyết liệt hơn của nước này trước yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia và chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đang trông đợi nhiều vào nguồn tài chính từ Trung Quốc để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở nước này. Trong khi đó, Trung Quốc đang đầu tư lớn ở Indonesia và muốn vươn lên trở thành nhà đầu tư số một ở quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 5 năm tới. Chính vì vậy mà Indonesia không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng do tham vọng về chủ quyền của Bắc Kinh, nên Indonesia buộc phải có phản ứng quyết liệt và cứng rắn. Ian Storey, Chuyên viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore, nhìn nhận: “Trong quá khứ, mỗi khi xảy ra các sự cố kiểu như vậy, Indonesia thường tránh làm căng, hoặc là chọn cách xử lý kín vì lợi ích từ mối quan hệ hài hòa với Trung Quốc. Thế nhưng, khi Bắc Kinh bắt đầu tìm cách thực thi yêu sách quyền chủ quyền nằm trong vùng lãnh hải của Indonesia, Jakarta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc công khai hành động của Trung Quốc, phê phán cách hành xử chèn ép của Bắc Kinh”.

Ngoại trưởng Indonesia cũng đã triệu tập Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Jakarta để phản đối vụ việc mà Indonesia cho là tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải nước này ở gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Indonesia cũng đã từ chối những yêu cầu của Trung Quốc đòi phóng thích 8 thuyền viên bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép và cáo buộc Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng một cách nhanh chóng trong khu vực. Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết, vùng biển Natura không nằm trong đường chín đoạn mà Trung Quốc áp đặt phi lý tại Biển Đông nhưng vẫn có các hoạt động đánh bắt cá trái phép của tàu Trung Quốc.

Không chỉ có Indonesia, mà vùng biển của các quốc gia trong khu vực cũng bị tàu cá Trung Quốc xâm nhập đánh bắt cá trái phép. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim mới đây cũng cho biết, khoảng 100 tàu thuyền của Trung Quốc đã bị phát hiện xâm phạm vùng biển gần bãi cạn Luconia của nước này trên Biển Đông.

Indonesia là một quốc gia vốn không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng vụ việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép và tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Natura đã dấy lên lo ngại từ phía Indonesia về tham vọng Trung Quốc chiếm lấy quần đảo Natura giàu tài nguyên với yêu sách đường chín đoạn. Khi đó, có còn “chúng ta vẫn là bạn” hay không !?

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>