Chặng đường lắm chông gai của tân Tổng thống Myanmar

25/03/2016 | 07:24 GMT+7

Vừa qua, Quốc hội Myanmar đã bầu ông Htin Kyaw, 69 tuổi, trợ thủ thân cận của nhà lãnh đạo Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, làm tổng thống dân sự đầu tiên của nước này sau nhiều thập kỷ. Đầu tháng 4 tới đây, ông Htin Kyaw mới nhậm chức tổng thống. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chặng đường phía trước mà chính phủ của tân Tổng thống Htin Kyaw trải qua sẽ còn nhiều gập ghềnh, chông gai.

Tổng thống mới đắc cử của Myanmar Htin Kyaw. Nguồn: THX/TTXVN

Myanmar là quốc gia rộng lớn, có nhiều tài nguyên, nhưng nền kinh tế vẫn còn kém phát triển. Điều kiện sống của phần lớn người dân Myanmar ở vùng nông thôn hết sức khó khăn. Myanmar hiện là một trong những nước nghèo nhất ở châu Á. Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển là những gánh nặng đối với chính phủ mới. Trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm ngoái, chính quyền của Tổng thống U Thein Sein đã ký một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc với 8/15 nhóm sắc tộc chính, song chiến sự vẫn tiếp diễn với một số nhóm khác và khả năng chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột đẫm máu suốt hơn 60 năm qua vẫn còn bỏ ngỏ.

Hiện nay, quân đội Myanmar vẫn còn giữ hơn một nửa số ghế (6/11) trong Hội đồng an ninh-quốc phòng và chiếm 25% số ghế tại Quốc hội. Quân đội nắm quyền bổ nhiệm các bộ quan trọng (quốc phòng, nội vụ, các vấn đề biên giới). Mặt khác, quân đội còn ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế Myanmar thông qua mạng lưới khổng lồ các tập đoàn kinh doanh thuộc quyền quản lý của quân đội. Sau khi có kết quả bầu cử tổng thống tại Quốc hội, Tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar là tướng Min Aung Hlaing cam kết các lực lượng vũ trang sẽ hợp tác với chính phủ mới trong mọi lĩnh vực để có hòa bình, thống nhất và phát triển cho đất nước. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa quân đội và Đảng Liên đoàn vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi nhiều khả năng mang tính miễn cưỡng…

Về chính sách đối ngoại, việc xây dựng và triển khai một chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn đang muốn có ảnh hưởng tại khu vực giữ vị trí chiến lược này cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Chính sách đối ngoại của chính phủ mới tại Myanmar chắc chắn phải nhằm giải quyết bài toán cân bằng lợi ích giữa các nước lớn và khu vực đang giằng co ảnh hưởng tại đây.

Giới phân tích quốc tế đều có chung nhận định rằng, đất nước Myanmar với tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chưa khai thác, lịch sử văn hóa lâu đời, nguồn nhân lực sử dụng tiếng Anh tốt, cộng với vị trí địa chiến lược, hoàn toàn có thể phát triển và có vị thế quan trọng trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển đất nước, chính phủ do Đảng Liên đoàn vì Dân chủ (NLD) lãnh đạo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó có việc xây dựng các thể chế để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của người dân vào các quyết sách quốc gia là điều kiện quan trọng nhất khi mà cho tới nay, vị thế của Đảng Liên đoàn vì Dân chủ (NLD) cầm quyền vẫn còn phụ thuộc nhiều vào uy tín cá nhân của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Với quan hệ với quân đội còn nhiều nghi ngại, dân nghèo nhiều, cơ sở hạ tầng yếu kém, xung đột sắc tộc vẫn còn diễn ra, kinh nghiệm điều hành, quản lý yếu, chính phủ mới tại Myanmar sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trên bước đường xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc.

TRUNG HƯNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>