Căng thẳng Nga - NATO leo thang

25/11/2016 | 05:26 GMT+7

Việc Nga triển khai các loại tên lửa hiện đại “đất đối không” và “không đối đất” ở Kaliningrad, để đối phó với các mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD) đã làm gia tăng căng thẳng giữa Matxcơva và NATO.

Tên lửa chiến thuật Iskander-M của quân đội Nga trong cuộc diễn tập tại Kubinka, Nga, ngày 9-9. Ảnh: EPA/TTXVN

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov, cho biết hiện quân đội nước này đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, nhằm tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng không quân, cho phép vượt qua hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu (NMD). Hành động này của Nga được xem như một phản ứng đối xứng với các hành động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có khả năng trung hòa các mối đe dọa từ NMD. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: “Chúng tôi quan ngại về việc (NATO) đưa ra các quyết định triển khai NMD ở châu Âu nên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 nhằm để chống lại sức ép từ Mỹ”.

Thực tế là từ tháng 5-2015, Mỹ đã hoàn thành việc xây dựng một phần hệ thống NMD tại Romania, đồng thời tuyên bố năm 2018 sẽ tiếp tục hoàn thành một đơn vị tương tự ở miền Bắc Ba Lan. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng các hành động của Mỹ và NATO triển khai NMD đang đặt ra các mối đe dọa an ninh quốc gia Nga và phá hoại sự ổn định chiến lược trong khu vực. Trước đó, các Bộ trưởng Quốc phòng của 28 quốc gia thành viên thuộc NATO đã thông qua việc tăng cường lực lượng quân sự gấp ba lần và mở thêm 2 trung tâm chỉ huy mới tại 6 nước khu vực Đông Âu gồm Litva, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria, Romania, thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả được không quân và hải quân yểm trợ, đồng thời triển khai nhiều máy bay chiến đấu trên lãnh thổ các quốc gia Baltic. 

Phản ứng trước hành động trên của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại việc Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander tại vùng lãnh thổ Kaliningrad thuộc Nga, đồng thời cho rằng động thái này của Matxcơva có thể “gây bất ổn đối với an ninh của châu Âu”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cũng yêu cầu Nga thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời ngừng ngay việc triển khai các tên lửa nêu trên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căng thẳng leo thang giữa NATO và Nga, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là sự kiện Liên bang Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3-2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này. “Giọt nước làm tràn ly” là vào năm 2015, NATO gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu, mở đầu là chuỗi các cuộc tập trận ở Đông Âu trong khuôn khổ kế hoạch mang tên “Lá chắn Liên minh” (Allied Shield). Sau đó là hàng loạt cuộc tập trận với Ukraine trên Biển Đen và lãnh thổ phía Tây nước này cùng các cuộc tập trận hải quân ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương, đặc biệt là vùng biển Baltic khiến Nga kịch liệt phản đối. Những cuộc tập trận này hướng tới việc đối đầu chỉ với “những đối thủ giả định”, nhưng tính chất và quy mô của các hoạt động trên dường như hướng vào Nga. Ngược lại, những động thái gần đây của Nga cũng nhằm đối phó NATO. Như vậy dù không nói ra nhưng cả hai bên đang tập luyện biện pháp đè bẹp các khả năng của đối phương.

Trong một động thái liên quan mới đây, Phó Đô đốc Hải quân Anh Clive Johnstone, đồng thời là Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hàng hải thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng: “Nga đã phát triển và cho triển khai đội quân của mình tới mọi khu vực, nhưng NATO không có ý định ngăn chặn điều đó. Nga không phải là kẻ thù của NATO và NATO cũng không hề mong muốn tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. NATO đang cố để hiểu cho Nga, đồng thời cũng không muốn lợi ích của các thành viên bị tổn hại”.

Giới quan sát cho rằng dù căng thẳng giữa Nga và NATO đang leo thang nhưng cả hai đều biết rõ tác hại nếu xảy ra xung đột. Do vậy khó có khả năng xảy ra chiến tranh dù cả hai phía đều gia tăng lực lượng quân sự. Một giải pháp hòa bình vì lợi ích chung là điều cần thiết cả hai phía đang hướng đến.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>