Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia tiếp tục leo thang

12/01/2016 | 07:08 GMT+7

Tiếp sau tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Iran của Saudi Arabia là hàng loạt chính sách bài xích lẫn nhau giữa hai quốc gia này được ban bố. Mặc dù bị thiệt hại đáng kể về nhiều mặt nhưng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai cường quốc của khu vực Trung Đông này xem ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Biểu tình phản đối vụ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr bị hành quyết.    Ảnh: MSN.COM

Mới đây, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kiện Saudi Arabia lên Liên Hiệp Quốc với cáo buộc vì đã có “các hành động khiêu khích trực tiếp” nhằm vào quốc gia này. Trong đó có việc tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr hồi đầu tháng 1-2016 và ngược đãi những người hành hương Iran tới Thánh địa Mecca. Ông Zarif còn cáo buộc Saudi Arabia là mối đe dọa đối với khu vực và an ninh toàn cầu khi cho rằng hầu hết thành viên của mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda, phiến quân Taliban, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra… đều là công dân Saudi Arabia hoặc bị lôi kéo bởi những đối tượng cực đoan.

Trong một diễn biến liên quan, trước đó, hàng chục nghìn người trên khắp Iran đã biểu tình phản đối vụ Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr theo lời kêu gọi của Hội đồng Điều phối Tuyên truyền Hồi giáo Iran. Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu phản đối Saudi Arabia cùng Mỹ và Israel, những nước mà họ cho là đồng minh và hậu thuẫn của Saudi Arabia. Ngoài ra, những người biểu tình đã tấn công đốt phá Đại sứ quán và Lãnh sự quán Saudi Arabia. Cùng thời gian này, Iran đã thông qua một dự luật cấm nhập khẩu bất kỳ hàng hóa nào có nguồn gốc xuất xứ từ Saudi Arabia. Bên cạnh đó, Tehran cũng duy trì lệnh cấm người dân hành hương tới Thánh địa Mecca cho đến khi có lệnh mới. Lệnh cấm trên đã ảnh hưởng rất lớn đến người Hồi giáo, bởi lẽ theo quy định của đạo Hồi, mỗi giáo dân ít nhất một lần trong cuộc đời phải hành hương về Thánh địa Mecca. Vào tháng Ramadan, người Hồi giáo hành hương về đây (và chỉ có người Hồi giáo mới được về đây), sau khi hành hương đến Mecca, tín đồ đạo Hồi sẽ có được danh hiệu là “Haj” hoặc “Haji” (một minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo, và lòng quy phục của họ trước Thượng đế).

Về phần mình, sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran từ vụ bị tấn công Đại sứ quán và Lãnh sự quán, Saudi Arabia cho rằng Iran là một quốc gia đang theo đuổi xu hướng chia rẽ giáo phái. Điều này cũng được các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Oman, Kuwait và UAE lên tiếng cáo buộc Iran can thiệp vào công việc nội bộ của Saudi Arabia và khu vực. Ngoại trưởng Saudi Arabia cho biết nước này sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran. Trước đó, Saudi Arabia đã quyết định hủy bỏ tất cả các chuyến bay đến Iran, cắt đứt quan hệ thương mại, đồng thời ban bố lệnh cấm công dân đi du lịch tới Iran.

Theo số liệu thống kê chính thức, trong 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Saudi Arabia của Iran đã tăng lên 40 triệu USD, trong khi xuất khẩu của Iran sang Saudi Arabia đạt 132 triệu USD. Nếu cắt đứt quan hệ thương mại đồng nghĩa với cả hai nước mất trắng khoản giao dịch này. Ngoài ra, Saudi Arabia sẽ bị thâm hụt khoản thu lên đến hàng tỉ USD từ khoảng 600.000 người Iran hành hương đến Thánh địa Mecca mỗi năm.

Giới quan sát cho rằng, việc gia tăng căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia sẽ gây tác động xấu đến cả hai quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, tìm giải pháp hạ nhiệt hiện đang là bài toán khó, bởi lẽ cả hai quốc gia chưa tìm được tiếng nói chung.  

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>