Brexit đang vấp phải trở ngại lớn

17/11/2017 | 08:52 GMT+7

Mặc dù đã trải qua 6 lần đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rút khỏi EU, hay còn gọi là Brexit nhưng tiến trình này đang gặp trở ngại lớn cả trong nước và đối ngoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: EXPRESS.CO.UK

Gần đây, Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với sức ép rất lớn liên quan đến Brexit và thậm chí có thể bị Đảng Bảo thủ cầm quyền hạ bệ. Sự kiện đáng quan tâm là mới đây có 40 nghị sĩ Đảng Bảo thủ Anh đã đồng ý ký vào một lá thư chung bày tỏ bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Theresa May, trong bối cảnh đàm phán về Brexit bị trì hoãn. Nếu có thêm 8 nghị sĩ nữa nhất trí ký tên vào bức thư, điều này sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Anh Jeremy Corbin quyết định đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng May, “lãnh đạo hoặc ra đi”, bởi vì bà “chính thức nắm quyền, nhưng không phải trong thực tế”. Điều này đã làm gia tăng áp lực lên Chính phủ Anh, bà May và tiến trình đàm phán Brexit.

Đáp trả những động thái trên, Thủ tướng Anh Theresa May vừa đưa ra cảnh báo rằng bà sẽ không “dung thứ” bất kỳ ý đồ nào phá hoại tiến trình Brexit. Cảnh báo cứng rắn trên được cho là nhằm vào những nghị sĩ của Đảng Bảo thủ có đường lối thân châu Âu, vốn không che giấu ý định làm thất bại các kế hoạch của Chính phủ Anh bằng cách đứng về phía phe đối lập để đòi bằng được quyền bỏ phiếu thông qua đối với dự thảo cuối cùng của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU. Thông điệp cứng rắn này được Thủ tướng May đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh vừa công bố một dự luật bổ sung về Brexit theo kế hoạch sẽ thông qua Quốc hội trong tháng 12 tới. Bà May cảnh báo các nghị sĩ không được lợi dụng việc thảo luận thông qua dự luật tại Quốc hội để “trì hoãn hoặc dừng lại” tiến trình Brexit. Đây được xem là  nỗ lực của bà May nhằm củng cố lại vai trò lãnh đạo của mình trong bối cảnh chính phủ của bà đang chao đảo sau khi mất 2 bộ trưởng trong vòng 1 tuần, còn các cuộc đàm phán Brexit vẫn bế tắc và chưa cho thấy dấu hiệu sớm có đột phá. Bà May khẳng định sẵn sàng hợp tác làm việc cùng các nghị sĩ để “cải thiện” dự luật, nhưng họ phải thực sự “đồng lòng” đoàn kết giúp nước Anh giành được thỏa thuận có lợi nhất khi rời khỏi EU.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận đầu tiên của Hạ viện Anh, dự luật đang vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ và các đảng chính trị khác vì họ cho rằng như thế là không dân chủ, ép các nghị sĩ chỉ được phép bỏ phiếu lựa chọn: đồng ý hay không, chứ không được phép dừng Brexit hay đề nghị thảo luận lại những thỏa thuận mà chính phủ và EU đã thảo luận xong. Theo kế hoạch, trong nhiều tuần tới, các nghị sĩ sẽ thảo luận tới 470 điểm đề nghị sửa đổi, dài 186 trang, với nhiều nội dung sửa đổi gây tranh cãi mà nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ phải thay đổi. Sau khi thảo luận thông qua tại Hạ viện, dự luật Brexit sẽ được trình sang Thượng viện Anh để các thượng nghị sĩ cho ý kiến, xem xét lại lần nữa, sau đó sẽ trình lên Nữ hoàng thông qua để trở thành luật.

Đàm phán với Anh về các điều kiện rút khỏi EU được tiến hành từ mùa Hè năm nay. Các chủ đề chính là quyền công dân, biên giới Ireland và giải quyết các nghĩa vụ tài chính của Anh đối với EU. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bất đồng giữa các bên vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Các quan chức cấp cao EU đã cảnh báo rằng cuộc đàm phán với Anh sẽ được đưa vào “chế độ khủng hoảng”, và có nhiều khả năng thỏa thuận sơ bộ về Brexit sẽ không thể ký kết vào tháng 12 như dự định trước đây.

Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết đang lên kế hoạch khẩn cấp nhằm chuẩn bị cho khả năng các cuộc đàm phán Brexit thất bại. Ba vấn đề then chốt mà EU yêu cầu Anh thực hiện là quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán “các hóa đơn” Brexit và biên giới tương lai giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh. Trong đó, ông Michel Barnier nhắc lại nếu không có thỏa thuận nào về các điều khoản thương mại hậu Brexit, EU và Anh có thể phải quay lại hệ thống thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặt khác, việc Anh phải chi trả những khoản đóng góp khi rời EU vẫn chưa ngã ngũ. Đây là những vấn đề hóc búa cũng là điều kiện có ý nghĩa “sống còn” để đàm phán Brexit có thể tiếp tục hay không trong thời gian tới.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>