Vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định

13/08/2023 | 13:36 GMT+7

Trong 5 năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt Chỉ thị số 21 ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ đó, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ được quan tâm; vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định.

Bàn giao “Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Nguyễn Thị Hai (thứ hai từ phải qua), hội viên phụ nữ ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh.

Tích cực chăm lo cho phụ nữ

Gia đình chị Nguyễn Thị Hai, hội viên phụ nữ ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thuộc diện hộ cận nghèo. Chồng đi làm bảo vệ, còn chị làm nghề giúp việc, thu nhập không nhiều và phải nuôi con nhỏ nên gia đình này không có điều kiện xây dựng lại căn nhà bị xuống cấp.

Vào ngày 19-7 năm nay, gia đình vui mừng nhận bàn giao nhà “Mái ấm tình thương”. Căn nhà được xây dựng theo thiết kế mái lợp tôn, vách tường, nền lót gạch men, diện tích 48m2, với kinh phí 150 triệu đồng; trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường phối hợp vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình và người thân chị Hai đóng góp. Tại lễ bàn giao nhà, Hội LHPN phường còn tặng gia đình phần quà trị giá 500.000 đồng.

Căn “Mái ấm tình thương” do Hội LHPN phường bàn giao dù không to đẹp nhưng là tài sản quý giá của gia đình chị Hai. “Mong ước về một căn nhà mới, kiên cố thay thế cho căn nhà cũ xập xệ của gia đình tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất biết ơn sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền và Hội LHPN phường. Căn nhà mới giúp cho chúng tôi được an cư, tạo điều kiện để gia đình vươn lên trong cuộc sống”, chị Hai chia sẻ.

Bà Đặng Thị Hồng Đang, Chủ tịch Hội LHPN phường V, cho biết, kết quả nổi bật của Hội LHPN phường trong thực hiện Chỉ thị số 21 là vận động hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ. Từ năm 2022 đến nay, hội đã vận động hỗ trợ 7 căn “Mái ấm tình thương”, mang lại niềm vui cho người được thụ hưởng.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21, toàn tỉnh có 948 cán bộ, hội viên, phụ nữ đã được các cấp hội LHPN xây dựng, sửa chữa nhà. Đây là việc làm rất ý nghĩa, bởi căn nhà mới sẽ giúp cho người được thụ hưởng có điều kiện an cư và là động lực để họ phấn đấu tăng gia sản xuất, chi tiêu tiết kiệm, cải thiện cuộc sống. Song song đó, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ cũng được quan tâm.

Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho hay, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, quan tâm đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, có 16.884 lao động nữ được đào tạo nghề; hơn 60.000 lượt lao động nữ được tư vấn việc làm, trong đó tạo việc làm cho hơn 39.100 người.

Cũng theo ông Trần Thanh Liêm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nhất là các chính sách liên quan đến dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, văn hóa, giáo dục...

Từ đó, tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ được cải thiện rõ rệt, với gần 6.000 hộ nghèo có chủ hộ là nữ đã thoát nghèo trong 5 năm qua.

Quan tâm công tác cán bộ nữ

Thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, tạo điều kiện cho nữ tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến. Công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện.

Ông Võ Văn Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Mỹ, cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy kịp thời xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn đối với cán bộ nữ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch cán bộ nữ cũng như quan tâm đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, trẻ, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số vào cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương.

Điều đó được thể hiện rõ thông qua kết quả đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn huyện. Cụ thể, cán bộ được giới thiệu tham gia ứng cử tại đại hội đảng bộ các cấp là 260 đồng chí, trong đó cán bộ nữ là 45 đồng chí, nữ dân tộc thiểu số là 2 đồng chí. Cán bộ trúng cử đại hội đảng bộ các cấp là 228 đồng chí, trong đó cán bộ nữ là 35 đồng chí, nữ là người dân tộc thiểu số là 2 đồng chí.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, việc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị là nhiệm vụ được các cấp hội trên địa bàn quan tâm thực hiện thời gian qua.

Cụ thể, các cấp hội LHPN đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, nhất là trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ; đề ra các giải pháp đột phá để có ý kiến tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ từng cấp, ngành và lĩnh vực.

“Chúng tôi quan tâm củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đủ về số, mạnh về chất, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, hội viên phụ nữ thường xuyên học tập nâng cao trình độ, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phấn đấu học tập, rèn luyện theo các tiêu chí người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết thêm.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng, kết quả nổi bật qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư là các cấp ủy đảng đã quan tâm bố trí, sắp xếp cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tài năng, trí tuệ; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong xã hội, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp tăng qua các nhiệm kỳ.

Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới; tiếp tục xây dựng củng cố tổ chức Hội LHPN vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu thực hiện tốt công tác phụ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao…

Thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ nữ. Nhờ đó, tỷ lệ nữ được giới thiệu tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2021-2026, ở cấp tỉnh, tỷ lệ đại biểu nữ chiếm 30% (tăng 14% so với nhiệm kỳ 2016-2021), cấp huyện chiếm tỷ lệ 24,9% (tăng 2,06% so với nhiệm kỳ 2016-2021), cấp xã chiếm tỷ lệ 26,24% (tăng 7,05% so với nhiệm kỳ 2016-2021). Về tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cấp tỉnh có 20%, cấp huyện có 15,64%, cấp xã có 21,74%.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>