Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Xây dựng chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh

15/12/2022 | 18:18 GMT+7

Ngay sau khi giải phóng, thực hiện chủ trương, mệnh lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; lực lượng cách mạng giải tán bộ máy ngụy quyền tỉnh Chương Thiện, nhanh chóng tiếp quản các trụ sở quân sự, hành chính,... Song song đó, Tỉnh ủy Cần Thơ và Thị xã ủy Vị Thanh, tiến hành ngay các bước về lãnh đạo tổ chức, củng cố xây dựng bộ máy chính quyền; khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất.

Đến tháng 6-1976, toàn thị xã Vị Thanh gồm có 5 phường là Tân Thành, Thiện Tín, phường I, phường II và phường III.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ, sau khi Ủy ban quân quản tỉnh Cần Thơ (đóng tại tòa hành chính tỉnh Chương Thiện) giải thể, địa bàn thị xã Vị Thanh do Thị xã ủy và UBND cách mạng lâm thời thị xã Vị Thanh lãnh đạo quản lý. Từ đó tiến hành các bước củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền thuộc khu vực nội thị và ngoại thị.

Cuối tháng 6-1975, Thị xã ủy Vị Thanh chỉ đạo tiến hành xong Đại hội đại biểu, bầu Ban nhân dân cách mạng của 11 ấp gồm: Vị Thành, Vị Thiện, Vị Tín, Vị Hưng, Vị Nghĩa, Nàng Chăn, Vị An A, Vị An B, Vị Long, Vị Hòa, Vị Đức. Từ tháng 10-1975, 11 ấp nêu trên được sát nhập lại còn 2 phường: Tân Thành và Thiện Tín, cùng ba vùng I, II, III (như thời chiến). Đến tháng 6-1976, các vùng I, II, III đổi thành các phường I, II, III. Như vậy, toàn thị xã có 5 phường: Tân Thành, Thiện Tín, phường I, phường II và phường III.

Đánh giá tình hình chung, có thể thấy sau ngày giải phóng, tinh thần cách mạng trong các tổ chức đoàn thể nhân dân dâng cao; tình tương thân, tương ái được tăng cường. Số ngụy quân, ngụy quyền tan rã tại chỗ cũng dần yên tâm, không sợ bị trả thù như địch xuyên tạc, chấp hành tốt chính sách của chính quyền cách mạng. Về tâm lý chung của xã hội: Ai cũng mong muốn cuộc sống ổn định, trở lại công việc làm ăn, sản xuất bình thường. Bên cạnh đó, chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang luôn đề cao cảnh giác, hoàn thành nhiệm vụ truy quét tàn quân, phản cách mạng, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản nhà nước và nhân dân.

Mặt khác, trên địa bàn thị xã hậu quả chiến tranh còn để lại nặng nề: Một bộ phận lớn binh sĩ và gia đình ngụy quân tan rã tại chỗ khoảng 4.000 người, lại rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm. Đáng kể là có đến gần 1.500 người còn mù chữ.

Tuy nhiên, Thị xã ủy và chính quyền thị xã tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề, dần đi vào ổn định và kết quả tốt như: Qua kêu gọi, có 2.305 ngụy quân, ngụy quyền ra trình liệu và học tập cải tạo để hiểu rõ đường lối, chủ trương của chính quyền cách mạng. Song song đó, lực lượng vũ trang thị xã tiếp tục truy quét, truy lùng, bắt giữ đối tượng tàn quân lẩn trốn không ra trình diện. Đồng thời, tiến hành điều tra, phá nhiều vụ án chính trị quan trọng.

Tháng 9-1975, chấp hành chỉ thị cấp trên, Thị xã ủy tổ chức kiểm kê và tịch thu tài sản một số tư sản trước đây cấu kết với chính quyền ngụy, làm giàu bất chính. Ngày 22-9-1975, cùng với đồng bào toàn miền Nam, nhân dân thị xã Vị Thanh đã đổi tiền ngụy, lấy tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, thị xã vận động nhân dân cứu trợ đồng bào nghèo đói được 14.208kg gạo và 568.767 đồng giúp cho 2.466 gia đình khó khăn.

Bước vào năm 1976, sau Hội nghị hiệp thương thống nhất nước nhà thành công, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất được tổ chức. Tại thị xã Vị Thanh, có 15.240 cử tri đi bầu, chọn 14 đại biểu. Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công.

Ngày 1-11-1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Vị Thanh lần thứ nhất (vòng I) chính thức khai mạc. Đây là lần đầu tiên sau ngày hòa bình, thống nhất - Thị xã Vị Thanh tiến hành Đại hội Đảng bộ, nhằm cụ thể hóa những nghị quyết, chính sách của Trung ương và tỉnh Hậu Giang trong việc đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh Hậu Giang, về tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân; vào cuối tháng 9-1976 bước đầu, chính quyền cho các chủ xe, tàu đăng ký hợp đồng công tư hợp doanh, với gần 10 phương tiện giao thông thủy bộ.

Giữa năm 1977, nhân dân thị xã Vị Thanh tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang (ngày 15-5-1977); cùng bầu cử Hội đồng nhân dân thị xã và các phường (ngày 29-5-1977).

Có thể nói ở giai đoạn đầu, thị xã Vị Thanh dần vượt qua khó khăn. Dù còn mới mẻ, nhưng Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhanh chóng củng cố tổ chức, thực hiện tốt các chủ trương, chỉ thị cấp trên; ổn định cuộc sống người dân, phát huy dân chủ; tạo nên không khí phấn khởi, an tâm, tin tưởng vào chính quyền cách mạng.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>