Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Phong trào đấu tranh chống Pháp phát triển rộng khắp

20/05/2022 | 08:40 GMT+7

Giai đoạn 1951-1954, các phong trào cách mạng tại vùng đất Vị Thanh, Hỏa Lựu ngày càng lớn mạnh, qua đó đã liên tục gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề.

Hiện vật xác tàu chiến của Pháp do bộ đội ta tiêu diệt tại vàm Cái Sình vào ngày 22-12-1952.

Điển hình là trận lực lượng tự vệ, chiến đấu các xã Hỏa Lựu - Vị Thanh kết hợp với 1 trung đội Vệ quốc đoàn, thuộc Liên trung đoàn 122-124 vào năm 1947, các đơn vị đã phục kích đánh 1 trung đội bảo vệ và viên Quận trưởng Giồng Riềng trên đường đi khảo sát, khi chạy đến cầu Cái Sình, ta nổ súng tiêu diệt tên quận trưởng và trung đội bảo vệ, thu toàn bộ vũ khí.

Tình thế địch ngày càng khó khăn, buộc chúng phải rút lực lượng khỏi nhiều xã tại các huyện Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao,… Đến ngày 19-8-1949, quân Pháp rút chạy khỏi chợ Cái Nhum. Xem như làng Vị Thanh hoàn toàn giải phóng, kết nối với làng Hỏa Lựu đã giải phóng trước, tạo thành một tuyến phòng thủ trên lộ và trên sông liên hoàn với nhau. Cuối năm 1949, do yêu cầu kháng chiến, tỉnh Rạch Giá chủ trương sắp xếp lại địa giới huyện; giải thể huyện Giồng Riềng. Lúc này, Vị Thanh và Hỏa Lựu được giao về huyện Long Mỹ.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Rạch Giá, từ năm 1951, Nhân dân trong vùng còn tiến hành phá lộ, đắp cản, hàn sông, quyết không cho địch quay trở lại chiếm đóng. Các xã Vị Thanh - Hỏa Lựu huy động hàng trăm dân công tham gia đinh làm cản Chú Hàn (làng Vĩnh Tường), cản Nước Trong (làng Vĩnh Viễn), cản Mười Bốn Ngàn (Vị Thanh). Nhờ vậy, quân Pháp ít bén mảng lui tới vùng giải phóng, ngoài những cuộc hành quân càn quét quy mô.

Vùng nông thôn giải phóng mở rộng hơn, phát triển toàn diện dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính các xã quản lý, điều hành hoạt động đi vào ổn định. Năm 1951, huyện Long Mỹ nhập về tỉnh Cần Thơ cho đến thời kỳ đấu tranh chính trị (1954).

Năm 1951, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo trong tình hình mới, xã Vị Thanh tách ra một phần đất lập xã Vị Tân, tọa lạc bên kia bờ kinh Xà No. Xã Vị Tân gồm các ấp: Vị An A, Vị An B, Cái Sình, Cái Nhum, Nàng Chăn, Tràm Cửa. Khi mới chia tách, Chi bộ Vị Tân do đồng chí Bùi Công Lý làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thạnh làm Phó Bí thư, đồng chí Đào Văn Kế làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã.

Đối với xã Hỏa Lựu, nằm ở cửa ngõ vùng giải phóng, cạnh các ngã sông lớn, nên luôn phòng bị, nhất là tuyến đường thủy địch hay xâm nhập. Do vậy, Nhân dân nơi đây phải đối phó và chống trả trước bom đạn của giặc, qua nhiều trận càn phá.

Năm 1951, máy bay địch ném bom nhiều lần vào khu vực Rạch Gốc, làm chết và bị thương nhiều thường dân. Cuối năm 1950, địch dùng tàu sắt chở 1 tiểu đoàn lính từ Rạch Giá đi càn quét vào huyện Long Mỹ. Khi tới Cầu Đúc, chúng liền bị lực lượng ta chặn đánh, không cho tiến sâu vào các làng xã khác. Sau 7 ngày chiến đấu kiên cường, ta đánh đắm tàu địch tại khu vực chợ Hỏa Lựu, tiêu diệt một số tên và bẻ gãy trận càn của địch.

Tháng 7-1951, địch mở trận càn vào xã Hỏa Lựu. Để chống trả, du kích phối hợp Tiểu đoàn 307 (Quân khu 9) phục kích đánh địch đoạn từ Cầu Lẫm đến cầu Cái Sình, diệt khoảng 100 tên lính Phi - Âu thuộc tiểu đoàn BMEO.

Để bảo vệ vùng giải phóng, ngăn tàu địch vào bắn phá, tháng 9-1951, khoảng ba vạn lượt dân công Hỏa Lựu và các địa phương trong tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ được huy động làm cản lớn tại ngã ba sông Nước Trong. Đây là công trình cản hết sức quy mô, bề rộng khoảng 400m, dài 2.000m được đóng bằng các loại thân cây dừa, tràm, sao, rồi kết chặt lại. Do cản làm trên sông lớn, phải mất 45 ngày mới hoàn thành.

 Bên phía Vị Thanh, công trình cản lớn được xây dựng tại đoạn kinh Mười Bốn Ngàn, huy động đến hàng ngàn nhân công, làm trong 18 ngày mới xong. Nhân dân các xã Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Tân còn góp phần hỗ trợ các địa phương lân cận, cử lực lượng tham gia làm các cản Chắc Kha, Huỳnh Kỳ. Mặt khác, đưa lực lượng dân công cùng phá lộ Cái Sắn, vận chuyển tiếp tế cho tỉnh Long Châu Hà…

 Như vậy, Nhân dân Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Tân vừa xây dựng vùng nông thôn giải phóng, phát triển kinh tế; vừa phòng thủ chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu. Nhờ thực hiện các công trình cản vững chãi, quy mô nên bọn xâm lược Pháp rất khó xâm nhập địa bàn này. Tuy vậy, chúng cũng tổ chức những trận càn lớn với lực lượng hùng hậu, đánh phá ta.

Cuối năm 1952, chúng mở nhiều trận càn lớn đánh vào vùng giải phóng Vị Thanh, Vị Tân, Hỏa Lựu, điển hình là trận Cái Sình. Nắm chắc ý đồ của địch, đồng chí Huỳnh Thủ, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Cần Thơ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đơn vị 4053, thuộc Tiểu đoàn 410 của tỉnh Cần Thơ nghiên cứu tình hình, chuẩn bị kế hoạch tác chiến.

Sáng ngày 22-12-1952, từ hướng Vị Thanh sau khi bắn pháo dọn đường cho Tiểu đoàn cơ động số 14 gồm lính Pháp, lính Việt, lính Miên do sĩ quan Pháp chỉ huy trận càn. Chúng lần dò, thận trọng từng bước tiến vào xã Hỏa Lựu, trên đoạn lộ bị ta phá hoại, cỏ cây sầm uất. Đến 15 giờ, địch mới đến được vàm rạch Cái Sình. Chúng đóng quân lại, chờ tàu đón qua rạch Cái Sình, vì cây cầu đã bị ta đánh sập.

Trước đó, đêm 21-12-1952, quân ta đã đặt 2 trái thủy lôi. Khoảng trăm ký thuốc nổ tại vàm rạch, đưa tổ công binh của Tiểu đoàn 410 sẵn sàng chiến đấu. Không lâu sau, tàu sắt địch nổ máy từ ngã ba Cầu Đúc chạy vào. Đó là chiếc tàu vận tải mặt dựng LCT. Khi con tàu lui ra giữa vàm rạch, đưa quân qua phía bờ Hỏa Lựu, thì chiến sĩ ta châm điện, hai trái thủy lôi nổ long trời, cột nước trắng xóa cao lên cả trăm mét đổ sập xuống. Bị đánh bất ngờ địch không kịp trở tay, con tàu bị nhận chìm xuống sông. Kết quả, gần 400 tên địch bị tiêu diệt, trong đó có một quan ba (đại úy) người Pháp. Ta thu nhiều vũ khí quan trọng như 2 đại bác 20 ly và 13,2 ly; 5 súng tiểu liên, 12 súng trường…

Có thể nói, sau chiến thắng Tầm Vu, đây là chiến công điển hình, vang dội khắp Tây Nam bộ của quân và dân Cần Thơ - Rạch Giá, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Tân. Chiến thắng Cái Sình mang một ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần tiêu hao sinh lực địch, vừa làm cho địch hoảng sợ, củng cố niềm tin với các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 1952-1954, chính quyền cách mạng các xã Vị Thanh, Hỏa Lựu, Vị Tân tiến hành cấp ruộng đất cho nông dân, hoàn thành chính sách “người cày có ruộng”. Chi bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây vừa xây dựng hậu phương, vừa dồn sức tiếp viện cho tiền phương góp phần làm cho quân địch thất bại trên các chiến trường, phải chịu đầu hàng tại trận Điện Biên Phủ và ký hiệp định Giơnevơ.

Trong quá trình kháng Pháp, do yêu cầu kháng chiến, địa bàn Vị Thanh - Hỏa Lựu lúc thì thuộc Giồng Riềng, khi thì nhập về Long Mỹ. Đặc biệt, Vị Thanh từng bước được nâng cấp lên thành khu vực (nhiều làng); rồi thành quận, có Quận ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng hành chính quận lâm thời.

Trên tinh thần anh dũng, đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Vị Thanh - Hỏa Lựu đã hoàn thành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cùng với cả nước sau 9 năm trường kỳ gian khổ, hy sinh biết bao xương máu. Đây là truyền thống vô cùng quý báu, viết tiếp trang sử mở đất và phong trào yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng với quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê nhà.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>