Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Nông nghiệp Vị Thanh thời mở đất đến cuối triều Nguyễn

21/07/2023 | 08:24 GMT+7

Trước khi Mạc Cửu lập 7 xã, thôn; đất Rạch Giá xưa, về phía Giồng Riềng, Gò Quao, Long Mỹ bao gồm Hỏa Lựu, Vị Thanh đã có di dân sinh sống rải rác. Sang thời các chúa Nguyễn, rồi triều Nguyễn; chủ trương khẩn hoang, lập ấp, lập đồn dần được đẩy mạnh, nên nơi đây ngày càng đông dân cư. Họ kiếm sống bằng nghề rừng; vừa nỗ lực khẩn hoang, mở đất canh tác lúa.

Người dân xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh làm đất, chuẩn bị xuống giống vụ lúa.

Theo sử liệu, nhiều người Việt từ An Giang, Hà Tiên tới; có người Hoa đi bằng đường biển và người Miên từ Cao Miên sang. Ngoài người Hoa tập trung ở chợ Rạch Giá, Gò Quao... Người Miên, người Việt hay làm nghề rừng, săn bắt thú, ăn ong, bắt cá đồng bên cạnh nghề làm ruộng. Sẵn vốn kỹ thuật cha ông truyền lại từ đất Ngũ Quảng; cộng thêm kinh nghiệm canh tác của người Miên... lớp người khẩn hoang đã biết ứng dụng vào cách trồng lúa nước.

Trải qua thời gian và kinh nghiệm, đúc kết kỹ thuật - nghề trồng lúa nước vùng Hỏa Lựu, Vị Thanh đã hoàn thiện từng bước qua các giai đoạn mở đất phát triển.

Sách “Tìm hiểu Đất Kiên Giang” ghi: “Ông (Mạc Cửu) có chủ trương cho nông dân tự do khai hoang, không thu tô, để khích lệ người ở nơi khác về cư trú và khai thác...”. Sau khi 7 xã, thôn vùng vịnh Xiêm La ra đời, Mạc Thiên Tích (con Mạc Cửu) nối bước cha, mở đất rộng thêm, đủ điều kiện lập nên đạo Kiên Giang. Tất nhiên, diện tích khẩn hoang chưa nhiều, dân cư còn thưa thớt. Bởi nhiều năm sau, trấn Hà Tiên còn phải lo đối phó với nạn Xiêm La xâm lược, lại phải cung ứng quân, lương cho các chúa Nguyễn đương đầu với quân Tây Sơn. Đến đời Gia Long, đất nước thái bình, công cuộc mở đất, lập làng đạt được nhiều thành quả mới, đạo Kiên Giang, đổi thành huyện Kiên Giang. Có 2 tổng, 11 xã, thôn. Đất Hỏa Lựu, Vị Thanh nằm trong tổng Thanh Giang, liền kề phía Vĩnh Thuận thôn (Long Mỹ).

Nghề làm nông có thêm nhiều bước tiến, theo sách “Gia Định thành thông chỉ” mô tả: “Huyện Kiên Giang, hai tổng Kiên Định và Thanh Giang đều có ruộng sớm, thổ nghi có khoai, ngô, mía. Ruộng sớm thì tháng 4 gieo mạ, tháng 6 cấy, tháng 9 gặt. Khoai thì tháng 3 trồng, tháng 7 thu hoạch. Ngô (bắp) thì tháng 3 trồng, tháng 8 thu hoạch. Mía thì tháng 3 cắn ngọn, tháng 7 thu hoạch”.

Đất được khai phá, nghề nông mở mang, cũng là điều kiện ra đời đơn vị hành chính đầu tiên: Làng Hỏa Lựu, vào năm 1835-1836. Lúc này, vua Minh Mạng nối tiếp chủ trương khẩn hoang, mở đất, cho lập địa bạ, ghi rõ số diện tích đất ở các nơi. Theo dõi quá trình khẩn hoang lập nghiệp, chưa thấy tài liệu xưa ghi chép chi tiết về kỹ thuật canh tác ruộng hoặc rẫy vào buổi đầu khẩn hoang, cho tới đời vua Tự Đức, trước khi người Pháp chiếm Nam Kỳ (1867).

Sau này, Nhà Nam Bộ học Sơn Nam, người nghiên cứu khá kỹ về vùng đất Rạch Giá, U Minh trong tác phẩm “Tìm hiểu Đất Hậu Giang” có một đoạn mô tả kiểu cách canh tác lúa khá gian nan của người khẩn hoang: “Rừng mới phá, họ cấy lúa chen vào khoảng giữa mấy gốc tràm chưa mục. Mùa hạn đến (rằm tháng mười âm lịch), họ đắp đập để chặn nước mặn, nhưng nước mặn lần lần thấm xuyên qua đập. Chọn giống lúa sớm (gặt sớm) là cách hay hơn hết để tránh nước mặn vào ruộng khi lúa chưa chín. Lúa gặt sớm trong khi đất ruộng chưa khô...”.

Ruộng mỗi năm làm một mùa (vụ) gọi là lúa mùa, theo phương pháp cơ bản: Cày, bừa hoặc phát sạch cỏ. Nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho rằng: Nơi đất mới này, nếu cấy một lần thì lúa tốt, nghĩa là nhiều lá, bông đầy. Do đó, có sáng kiến là “cấy dâm”: Tỉa lúa, nhổ mạ non ấy mà cấy. Khi mạ lớn lên, cấy trở xuống một lần chót (cấy hai lần). Cấy dày khiến lúa không tốt. Lần cấy thứ nhì dẫu trễ, sau cơn mưa lụt tháng tám âm lịch cũng không sao...”.

Về kỹ thuật, Sơn Nam còn có những nhận định sâu sắc phản ánh tình trạng canh tác vùng Rạch Giá, Long Mỹ, Vị Thanh xưa: “... phát cỏ là việc đáng nói hơn. Cỏ lên cao ngập đầu người. Vùng đất phèn nước mặn, khó nuôi trâu không cày đất được. Thay vì cày bừa, người nông phu chỉ còn cách phát cỏ, cào cỏ rồi cấy. Kỹ thuật phát cỏ ở Hậu Giang đã đạt tới mức tinh vi, thiết tưởng toàn quốc không đâu bì kịp. Hình thức cây phảng (ở Hậu Giang), khác lạ hơn cây phảng của người Việt ở Mỹ Tho hoặc người Miên ở Sóc Trăng: cán ngắn 3 tấc, lưỡi phảng dài đến 9 tấc; cán và lưỡi tiếp nhau đúng góc thước thợ. Các động tác phát cỏ đều được nghiên cứu kỹ, công thức hóa. Nhiều cây phảng nặng tới 1,2 yến (trên 7kg). Người làm nghề có thể phát 6 công đất mỗi ngày...”.

Qua những đoạn nghiên cứu, ghi chép của Nhà Nam Bộ học Sơn Nam, có thể nói: Việc canh tác lúa của cư dân miền Hậu Giang nói chung và vùng Rạch Giá xưa (bao gồm Hỏa Lựu, Vị Thanh) đã đạt tới kỹ thuật khá tiến bộ, mặc dù vẫn canh tác theo phương pháp thô sơ, qua các công đoạn: Cày trâu, bừa, gieo mạ, phát cỏ, cào cỏ, cấy giặm, đập lúa,...

Theo Sơn Nam, về công sức bỏ ra canh tác một mẫu Tây ruộng cấy 1 lần (1.000m) như sau: “Người nông dân ở Nam Kỳ tốn mất 85 ngày công; ở Hậu Giang (bao gồm Hỏa Lựu, Vị Thanh) khỏe hơn, chỉ cần 60 ngày công và bảy ngày trâu cày, trục”.

Về trâu cày, nếu theo kiểu cày ở Ngũ Quảng, chỉ cần 1 con trâu kéo, nhưng ở miền Hậu Giang, để đáp ứng yêu cầu của những đồng rộng lớn, nhà nông có sáng kiến cày đôi, tức dùng 2 con trâu kéo, nhờ vậy, luống cày được sâu, tốc độ cày nhanh hơn.

Đó là nền móng kinh nghiệm quý báu của buổi đầu khẩn hoang, mở đất, canh tác của tiền nhân.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>