Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Nhân dân Vị Thanh đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ

03/06/2022 | 14:49 GMT+7

Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Nhiệm vụ của Đảng tại miền Nam là lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định, thực hiện tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Kênh Mười Lăm - nơi tháng 1-1956 ta phục kích đánh địch, gây hoang mang cho bọn tề xã, ngày nay.

Tháng 8-1954, Huyện ủy Long Mỹ họp ở nhà đồng chí Nguyễn Văn Tốt (Bảy Thường) tại ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông để học tập nội dung Hiệp định Giơnevơ, triển khai tình hình và nhiệm vụ mới. Chấp hành sự chỉ đạo của Huyện ủy Long Mỹ, Đảng bộ xã Vị Thanh đã bố trí cán bộ ở lại, điều lắng đi nơi khác những đồng chí bị lộ; đổi bạc Cụ Hồ ra bạc Ngân hàng Đông Dương cho dân; cấp giấy chứng nhận đất đai cho đồng bào và hướng dẫn nhân dân nắm vững cơ sở pháp lý của hiệp định để đấu tranh chống lại địch và bọn địa chủ.

Sau khi sắp xếp, Đảng bộ xã Vị Thanh còn lại 14 đảng viên nên đã quyết định thành lập chi bộ và cử đồng chí Nguyễn Văn Sự làm bí thư và đồng chí Lê Đình Phán làm phó bí thư.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ - Diệm đã chọn Vị Thanh làm trọng điểm đánh phá cách mạng, mở đường cho việc thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Tây Nam bộ.

Ngày 15-9-1954, địch đưa 17 chiếc tàu sắt chở quân từ Rạch Giá vào chiếm đóng tại đầu cầu chợ Cái Nhum. Từ tháng 11-1954, địch dựng lên bộ máy tề ở xã Vị Thanh. Đứng đầu là xã trưởng và các ủy viên cảnh sát, tài chánh, thư ký. Ở ấp có trưởng ấp, ấp phó. Chúng chọn những tên địa chủ ác ôn, những tên đầu hàng, phản bội đưa vào bộ máy để kìm kẹp quần chúng, đánh phá cơ sở cách mạng.

Ở ấp địch lập ra ngũ gia liên bảo (gồm 5 gia đình), chọn người làm liên gia trưởng có trách nhiệm bám sát, theo dõi người trong liên gia của mình. Tổ chức các chủ xóm, chủ khóm tạo thành một bộ máy kìm kẹp chặt từ trên xuống để kiểm soát gắt gao các mối quan hệ quần chúng.

Địch còn lập ra nhiều tổ chức quần chúng để tập hợp, lôi kéo các tầng lớp nhân dân như “thanh niên cộng hòa”, “phụ nữ liên đới”,… Cao hơn, chúng còn phát động “phong trào cách mạng Quốc gia” lọc ra những phần tử tích cực thâu nạp vào bộ máy đàn áp cách mạng.

Lập bộ máy ngụy quyền đến đâu, chúng tiến hành phá hoại Hiệp định Giơnevơ đến đó. Bọn công dân vụ xuống tận xóm ấp tuyên truyền “Không có lập lại quan hệ bình thường giữa miền Nam - Bắc, không có hiệp thương tổng tuyển cử”, đưa ra những luận điệu xuyên tạc như đánh Pháp thắng lợi là do công sức của toàn dân, do “Việt Nam cộng hòa” lèo lái, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Thâm độc hơn, chúng còn tổ chức những buổi “khai báo thành tích” trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, tìm ra đầu mối, theo dõi đánh phá vào các gia đình cách mạng.

Tháng 1-1955, chi bộ Vị Thanh họp đánh giá tình hình và xác định lại nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ, hướng dẫn quần chúng đấu tranh chính trị trên quy mô rộng hơn và mạnh mẽ hơn, đòi địch thi hành hiệp định, hiệp thương tổng tuyển cử. Ta lập ra những tổ chức mới như tổ chống cướp, tổ tang tế, tổ nữ công, tổ vần công đổi công,… Đảng vào hoạt động bí mật.

Năm 1955, tại Vị Thanh, địch thành lập biệt khu U Minh do đại tá Trần Tử Oai, thiếu tá Lâm Quang Phòng chỉ huy. Địch sử dụng biệt khu U Minh để làm căn cứ, tiến hành đánh phá các vùng nông thôn kháng chiến của ta ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Vị Thanh, Long Mỹ.

Tháng 1-1956, tại kinh Mười Lăm (nơi giáp ranh 2 xã Vị Đông và Vị Thanh ngày nay), ta phục kích đánh đám Đờ Sẹt của sếp Chương, trận đánh do Chín Hữu chỉ huy. Kết quả, ta diệt 5 tên và thu 5 khẩu súng, làm cho bọn tề xã Vị Thanh phải lo sợ.

Từ ngày 24-6-1956 đến 24-2-1957, địch mở chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh vào các vùng căn cứ của ta nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, đồng thời thanh toán lực lượng tàn quân của các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài, Bình Xuyên.

 Địch tiếp tục đẩy mạnh chính sách tố cộng, diệt cộng. Bắt thanh niên từ 16 tuổi trở lên phải trình diện, khai báo lý lịch, làm giấy căn cước, phân loại nhân dân. Chúng bắt các gia đình phải treo cờ quốc gia, theo dõi và khủng bố các gia đình cách mạng, chính việc làm thâm độc này gây nên sự ly gián trong nội bộ nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết trong nhân dân.

Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù, chi bộ đảng xã Vị Thanh luôn bám sát quần chúng, chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng, đưa phong trào đấu tranh quần chúng từ những hình thức thấp lên hình thức cao; lấy khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, cơm áo đến những khẩu hiệu có nội dung chính trị như chống khủng bố, đàn áp… Đồng thời, ta không ngừng tuyên truyền vạch mặt, làm cho quần chúng thấy được bộ mặt bán nước, buôn dân của bè lũ Ngô Đình Diệm. Nét nổi bật trong thời kỳ 1956-1957 là phong trào chống cướp của quần chúng. Lấy danh nghĩa chống cướp chứ thực ra là quần chúng chống hành động đi ruồng bố, rình rập của địch, giải thoát cho cán bộ khi bị địch vây bắt.

Tháng 4-1957, thực hiện quyết định của Liên Tỉnh ủy miền Tây, huyện Long Mỹ thuộc tỉnh Rạch Giá được giao về cho tỉnh Cần Thơ. Riêng xã Vị Thanh trước đây thuộc huyện Long Mỹ được giao về cho huyện Giồng Riềng (Rạch Giá).

Trước tình hình mới, chi bộ xác định nhiệm vụ cơ bản là kiên quyết giữ vững phong trào đấu tranh cách mạng, lấy đấu tranh chính trị chống lại âm mưu tàn bạo của địch. Ra sức xây dựng lực lượng và khéo léo che giấu, giữ gìn tuyệt đối bí mật và bảo tồn lực lượng của Đảng.

Từ năm 1957, Diệm ra lệnh bắt thanh niên đi quân dịch để xây dựng quân đội ngụy quyền. Ở các ấp trong xã, nơi nào địch cũng lùng sục bắt bớ. Ta vận động nhân dân không cho con em mình đi lính. Đối với những người đã lầm đường lạc lối cầm súng cho giặc thì vận động họ bỏ súng quay về làm ăn lương thiện hoặc dưới hình thức này, hình thức khác ủng hộ quần chúng đấu tranh.

Ngày 1-12-1958, địch đầu độc thảm sát hàng ngàn tù nhân ở nhà giam Phú Lợi. Chi bộ đã tổ chức cuộc biểu tình trực diện chống thảm sát có đến hàng ngàn người tham gia. Cuộc biểu tình diễn ra từ Nàng Chăn, Tràm Cửa, Cái Sình và được chia thành 3 mũi. Mũi ở Cái Sình tiến về Hỏa Lựu, mũi Nàng Chăn, Tràm Cửa tiến về chợ Cái Nhum, mũi từ Cải Sết A, Cải Sết B kéo xuống, điểm tập trung tại ban đại diện xã Vị Thanh ở chợ Cái Nhum. Ta tổ chức cho người quấn khăn tang, làm như thân nhân bị thảm sát để viện cớ đấu tranh với địch. Lúc đầu địch chấp nhận yêu sách của đồng bào, nhưng sau đó, chúng đem cảnh sát, dân vệ đến đàn áp và bắt đi hàng trăm đồng bào ta. Tuy cuộc biểu tình bị đàn áp, khủng bố, nhưng đã biểu dương được sức mạnh của quần chúng, tạo ra một khí thế chuẩn bị bước vào một cao trào cách mạng mới gay go, quyết liệt.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>