Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh

25/04/2016 | 15:38 GMT+7

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất, người sáng lập và rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Suốt cuộc đời gắn bó cùng cách mạng Việt Nam, tư tưởng quân sự của Người được thể hiện trong nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất, về giành và giữ chính quyền

Thấu hiểu sâu sắc bản chất chế độ thực dân ở nước thuộc địa nửa phong kiến, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ con đường giành chính quyền phải bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Người cũng xác định rõ: Cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc phải do toàn dân tiến hành, lấy liên minh công nông làm lực lượng nòng cốt; đoàn kết toàn dân, hễ có cơ hội là vùng lên đánh đổ thực dân phong kiến. Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước để giành chính quyền; đó là một cuộc đấu tranh về chính trị và quân sự. Từ khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa, khởi nghĩa có thể nổ ra ở một vài nơi rồi lan dần ra khắp cả nước và phải luôn hướng tới Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi phải thành lập ngay chính quyền cách mạng của nhân dân, đó là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Chính quyền đó có nhiệm vụ thủ tiêu hoàn toàn bộ máy nhà nước cũ, diệt trừ bọn phản động, ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thành lập quân đội để tiếp tục chiến đấu và giữ gìn thành quả cách mạng. Ở một nước thuộc địa, kinh tế chậm phát triển, để giữ chính quyền, chống lại chiến tranh xâm lược của bọn thực dân đế quốc thì chiến tranh cách mạng Việt Nam phải là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, kháng chiến trường kỳ và dựa vào sức mình là chính, đồng thời phải ra sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế

Thứ hai, về xây dựng lực lượng vũ trang

Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, trên cơ sở đó xây dựng và phát triển lực lượng quân sự; từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích. Thực tiễn đã chứng tỏ, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, là hình thức tổ chức thích hợp nhất để phát huy sức mạnh của cả dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh đất nước Việt Nam, với nghệ thuật quân sự và cách đánh của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam thành một đội quân cách mạng vững mạnh về mọi mặt, từng bước chính quy hiện đại.

Chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là cơ sở, là nền tảng để xây dựng quân đội, trong đó vấn đề cốt lõi là tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, với mục tiêu lý tưởng cách mạng. Quan tâm xây dựng tinh thần dân chủ, kỷ luật, đoàn kết cho bộ đội; xây dựng quân đội thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân. Lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính, Người luôn nhắc cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu để có phẩm chất và năng lực toàn diện. Đề cao vai trò con người kết hợp với coi trọng, nâng cao trình độ vũ khí trang bị. Yêu cầu các cấp, các ngành chăm lo, nuôi dưỡng, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đó là khâu then chốt của việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ đối với chiến sĩ, với nhân dân và kẻ địch.

Thứ ba, về xây dựng nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, quân đội phải thực hiện sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong chiến đấu, ý chí quyết đánh là điều kiện hàng đầu, nhưng biết đánh, biết thắng mới là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi. Người chỉ ra cách đánh thắng địch bằng mưu, kế, thế, thời; lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, trong trường hợp cần thiết tập trung ưu thế đánh những đòn quyết định. Vận dụng linh hoạt nghệ thuật tác chiến, thực hiện tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, náo phía đông, đánh phía tây; thực hiện mình yên đánh quân thù động, mình khỏe đánh quân thù mệt; bao giờ cũng phải giữ thế công, phải đánh chắc, tiến chắc, tuyệt đối không được chủ quan khinh địch, xác định đúng cách đánh, phát huy sức mạnh của ta, giành thắng lợi từng bước, càng đánh càng thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Sức mạnh của lực lượng vũ trang gắn liền với sức mạnh lãnh đạo của Đảng, sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Nghệ thuật tư tưởng chiến lược tiến công đi đôi với giành thế chủ động trong chiến tranh, chỉ có tiến công kiên quyết và liên tục mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, có tiến công mới giành được quyền chủ động và có nắm được quyền chủ động mới bảo đảm phát triển không ngừng thế tiến công. Nắm vững tư tưởng tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà phải biết tiến công, tiến công bằng mọi lực lượng, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, ở mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt phải biết tiến công vào nơi hiểm yếu của quân thù, những nơi địch mỏng, yếu, có nhiều sơ hở, nơi địch không phát huy được sở trường của chúng, nơi ta phát huy được ưu thế của mình. Đánh trúng chỗ yếu, chỗ hiểm của địch thì lực nhỏ cũng tạo nên hiệu quả lớn. Chiến lược tiến công không loại trừ phòng ngự khi cần thiết, khi buộc phải phòng ngự thì phòng ngự cũng phải quán triệt tư tưởng tiến công; muốn giữ, muốn phòng ngự thì phải tìm cách tiến công quân thù một cách có hiệu quả.

Nghệ thuật tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để giành chiến thắng. Từ đặc điểm chiến tranh cách mạng Việt Nam thường lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phát động toàn dân đánh giặc, đánh giặc bằng mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí, mọi cách đánh; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quần chúng; tiến công cả trước mặt và sau lưng địch, kết hợp đánh du kích và đánh chính quy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, tiêu hao tiêu diệt địch gắn với làm tan rã hàng ngũ địch, đập tan ý chí xâm lược của chúng. Đấu tranh vũ trang là cuộc đấu tranh của toàn dân tự giác đứng lên chiến đấu. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc, kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.

Nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu và phát huy các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc kết hợp lực, thế, thời, mưu để giành chiến thắng, nắm vững và vận dụng tài tình quy luật về thế và lực trong chiến tranh, coi trọng vấn đề thời cơ và nhấn mạnh phải có quyết tâm tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi. Để phát huy hiệu quả của lực, thế, thời, phải dùng mưu, bày kế để đánh địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lực, thế, thời, mưu có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau, thế lực vận động thì tạo ra thời, biết dùng mưu thì hạn chế được chỗ mạnh của địch, phát huy được cái mạnh của ta, tạo điều kiện chuyển biến về chất ở thời điểm quyết định để giành thắng lợi. “Tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu” còn gắn liền với phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đây là những yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh, trong đó nhân hòa là quan trọng bậc nhất, vì có nhân hòa mới có lực lượng, mới tạo được thế trận, mới tạo ra thời cơ và tranh thủ được thời cơ.

Nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa đánh và đàm, giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và kế thừa có chọn lọc những truyền thống và kinh nghiệm quý giá của tổ tiên, của thời đại và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Mỗi thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khôn khéo sử dụng các phương pháp, hình thức đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo và sáng tạo để đạt mục đích. Phương châm hành động là cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong đàm phán sẵn sàng nhân nhượng, nhưng là sự nhân nhượng có nguyên tắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đàm phán thực chất là điều chỉnh lợi ích của mỗi bên, biết cụ thể hóa mục tiêu của mình, biết nhân nhượng khi cần thiết, nhưng bao giờ cũng giữ mục tiêu xuyên suốt nhằm tạo thế, tạo lực, nhằm tăng thêm thực lực cách mạng; thực hiện sáng tạo nghệ thuật đánh và đàm, đánh để đàm, đàm để đánh, vừa đàm vừa đánh để giành thắng lợi cho cách mạng bằng con đường ít tốn xương máu nhất.

Nghệ thuật khởi đầu và kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường đi đến độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải trải qua một quá trình lâu dài, gồm nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, phức tạp. Ở mỗi chặng đường phải biết đề ra mục tiêu cụ thể sát hợp nhất, biết lãnh đạo quần chúng kiên quyết đấu tranh cho mục tiêu cụ thể đó thắng lợi, mở đường cho cách mạng, bước tới những bước cao hơn, tạo điều kiện tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Trong khởi nghĩa vũ trang, phải đi từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở cơ sở về tay nhân dân, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong chiến tranh cách mạng, biết chủ động tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn cục, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Phải biết khởi đầu và kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất; mở đầu chiến tranh vào lúc nào, như thế nào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến cục diện, kết cục cuối cùng của chiến tranh; mở đầu chiến tranh phải bảo đảm giành được thắng lợi trong bước triển khai kháng chiến; kết thúc chiến tranh làm sao vừa đạt được mục tiêu cách mạng, tạo cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp sau. Hết sức kiềm chế, tìm mọi cách để trì hoãn, tránh chiến tranh, nhưng khi không thể nhân nhượng hơn được nữa thì kiên quyết kháng chiến.

Thứ tư, về xây dựng căn cứ địa cách mạng và hậu phương chiến tranh nhân dân

Tư tưởng về xây dựng căn cứ địa cách mạng được hình thành trong tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được vận dụng vào hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ địa cách mạng là chỗ dựa để hoạt động của lực lượng vũ trang, chỗ đứng chân của trung tâm chỉ huy kháng chiến các cấp, nơi tích trữ tiềm lực về mọi mặt nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến; căn cứ địa hậu phương là nơi đứng chân làm cơ sở cho lực lượng vũ trang, tiến có thế đánh và phát triển lực lượng, lui có thế đứng và giữ gìn lực lượng, là nhân tố bảo đảm cho khởi nghĩa, chiến tranh thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng căn cứ hậu phương vững chắc nhất là lòng dân, vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, triệt để dựa vào nhân dân để từng bước xây dựng củng cố mở rộng căn cứ địa cách mạng, hậu phương chiến tranh. Sự nghiệp xây dựng căn cứ địa, hậu phương phải toàn diện, ngày càng hoàn chỉnh vững chắc về chính trị quân sự, kinh tế, văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra yêu cầu xây dựng căn cứ địa hậu phương trên mọi địa bàn đất nước, vì trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, lực lượng tham gia đánh giặc là toàn dân trên khắp mọi miền đất nước, trong đó công nhân và nông dân là đội quân chủ lực; dựa vào lực lượng cách mạng quần chúng cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa ở cả nông thôn và thành thị, nhằm tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn dân trên cả nước, bảo đảm có thể đánh giặc ở mọi lúc, mọi nơi. Luôn sẵn sàng chiến đấu gắn liền với xây dựng củng cố căn cứ địa hậu phương, tích cực chiến đấu chống mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm của địch; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đập tan âm mưu phá hoại, lấn chiếm của địch, giữ vững địa bàn, bảo vệ cơ sở, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ sản xuất, giao thông vận tải, giữ vững trật tự trị an, giữ vững ý chí chiến đấu trong mọi tình huống. Bạn bè quốc tế, phong trào hòa bình tiến bộ trên thế giới là hậu phương lớn, là nguồn cung cấp vật chất cần thiết và cổ vũ tinh thần mạnh mẽ nên ta phải phát huy đến mức cao nhất những điều kiện thuận lợi của thời đại để xây dựng căn cứ địa hậu phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra đường lối đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.

----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

(1) Bộ Quốc phòng: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 490

(2) Bộ Quốc phòng: Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2011, tr. 278

(3) Bộ Quốc phòng: Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2009, tr. 231

(4) Bộ Quốc phòng: Lịch sử quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2003, tr 336

(5) Bộ Quốc phòng: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2007

(6) Bộ Quốc phòng: Hồ Chí Minh nhà chiến lược quân sự thiên tài, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2007

(7) Bộ giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, tr 135

(8) Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Mãi mãi theo người Hồ Chí Minh, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2000

(9) Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005

(10) Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001

(11) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (từ tập 1 đến tập 10), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội

 

Dương Hồng Anh/Đại tá, PGS, TS. Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Theo TAPCHICONGSAN.ORG.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>