Trả lời kiến nghị của cử tri

14/04/2017 | 07:22 GMT+7

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri Hậu Giang gửi tới Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, nội dung:

Cử tri được biết, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định do ngành y tế quản lý nhưng thường xuyên có nhiều đoàn đến kiểm tra như: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; ngành quản lý thị trường kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh rượu, bia: ngành thú y kiểm tra điều kiện giết mổ, vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật; cảnh sát môi trường kiểm tra vệ sinh môi trường và cả điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; ngoài ra còn có đoàn kiểm tra của chính quvền huyện, xã... Cụ thể, theo quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, thì lĩnh vực an toàn thực phẩm có 3 ngành cùng tham gia quản lý gồm: y tế, nông nghiệp và công thương. Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các sản phẩm quá rộng và có sự đan xen, chồng lấn nhau. Để thanh tra các sản phẩm phải lập đoàn kiểm tra liên ngành, trong khi đó các ngành đều đối mặt với thực trạng chung là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực có chuyên môn, chính sự chồng chéo này khiến công tác quản lý chưa hiệu quả... Kiến nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh.

Người dân đi chợ Phường IV, thành phố Vị Thanh, khi mua thực phẩm luôn quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh. Ảnh: T.THỨC

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

1. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định số 38/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như sau:

Ở Trung ương là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương; ở địa phương là sở y tế, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và sở công thương. Theo đó, Chính phủ phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng bộ và giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính; và ở địa phương là sở y tế là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm. Việc quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện theo chuỗi đối với từng ngành hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.

2. Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngày 9-5-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó chỉ đạo:

a) Các bộ, ngành:

- Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.

- Bộ Công an chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm; điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

b) Các địa phương:

- UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.

- Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

- Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.     

- Tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.

Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang tập trung chỉ đạo công tác quản lý an toàn thực phẩm, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan nêu trên.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>