Tổng bí thư đề nghị Công đoàn 'tăng sức đề kháng' cho công nhân

26/09/2018 | 09:49 GMT+7

Lãnh đạo Đảng nói cần chú trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho công nhân, tăng sức đề kháng trước tiêu cực, mặt trái của xã hội.

Ngày 25/9, phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018 – 2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam.

Người đứng đầu Đảng đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.

Công tác Công đoàn và phong trào công nhân đã đạt được kết quả toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, sáng 25/9. Ảnh: Anh Duy.

Bên cạnh thành tích nhiệm kỳ qua, Tổng bí thư lưu ý xã hội vẫn băn khoăn trước tình trạng một bộ phận công nhân, người lao động có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân...

"Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta đang có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập. Xu hướng phân hoá trong đội ngũ công nhân làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và nâng cao vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn thể xã hội trở nên khó khăn", ông nói.

Theo Tổng bí thư, ngay trong những vấn đề về kinh tế, đời sống cụ thể, tổ chức công đoàn cũng còn lúng túng trong nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp để khắc phục, nhất là những bức xúc về cường độ lao động, việc làm, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của công nhân, lao động.

Gợi mở một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, giải quyết, Tổng bí thư đề cập đầu tiên việc chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động.

Theo ông, cần thống nhất nhận thức rằng, ngày nay lòng yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc của công nhân, lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Muốn làm tốt được nhiệm vụ trên, Tổng bí thư cho rằng Công đoàn phải thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm phát triển các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng như Internet, mạng xã hội và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo công nhân, người lao động.

"Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc", ông nói.

Cùng với đó, Công đoàn cần quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

Tổng bí thư nêu rõ, "đây là điểm then chốt để đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, để đoàn viên và người lao động luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn Việt Nam".

3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới

Điểm lại những thành tựu mà tổ chức Công đoàn đã đạt được trong 5 năm vừa qua, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, dấu ấn rõ nét nhất là hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: VGP

Cụ thể, công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.

Cùng với đó, công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.

Ông Cường cho biết, thời gian tới, tổ chức công đoàn Việt Nam tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh; đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Chiều cùng ngày, Đại hội biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu bầu Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khóa XII và tiến hành bầu Ban chấp hành.

Theo Đoàn Loan/vnexpress.net

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>