Tỉnh trẻ hàn gắn vết thương chiến tranh

26/07/2017 | 08:33 GMT+7

Bài 2: Nét đẹp tri ân

Thời gian qua, Hậu Giang luôn nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh cho gia đình chính sách, đặc biệt luôn xem gia đình chính sách như là người thân để tận tâm chăm sóc !

Ông Lê Văn Phúc, công chức văn hóa - xã hội xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, thường xuyên đến thăm các gia đình chính sách trên địa bàn.

Trong hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh đó, đã có nhiều câu chuyện đẹp về tình người, sự trân trọng trước mất mát của thế hệ đi trước, đó cũng là nét đẹp tri ân.

“Chăm lo gia đình chính sách là trách nhiệm phải làm và làm tốt”

Đến thăm các gia đình chính sách ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, hỏi ông Lê Văn Phúc, công chức văn hóa - xã hội xã hầu như ai cũng biết. Sở dĩ mọi người biết đến ông nhiều là do tính tình của ông rất nhiệt tình, nhất là với các gia đình chính sách. “Chú Phúc nhiệt tình lắm, ai có vấn đề gì thắc mắc là chú giải thích cụ thể, tận tình. Nhờ có chú mà chúng tôi mới rút hồ sơ hai người anh liệt sĩ của tôi về đây và làm hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ của chúng tôi”, bà Huỳnh Thị Kim Hương, ở ấp Thạnh Mỹ A, chia sẻ.

Như lời bà Hương, bà có 4 anh chị em, trong đó 2 người anh hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những năm chiến tranh ác liệt, gia đình bà sinh sống ở tỉnh Đồng Nai. Sau khi hai người anh hy sinh (hy sinh trước 1975), đến năm 1975, mẹ của bà Hương cũng qua đời. Lúc đó, cha của bà lập gia đình cùng người khác. Khi ấy, bà Hương theo chồng về xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A để sinh sống. Những năm ấy, cha bà giữ bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Huỳnh Tấn Phát, còn người chị gái thứ 2 của bà cũng ngụ xã Tân Phú Thạnh giữ bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Huỳnh Văn Lắm. Chẳng lâu sau, cha và chị gái cũng qua đời. Đến năm 2015, bà lên tỉnh Đồng Nai rút hồ sơ liệt sĩ Phát do cha bà giữ bằng Tổ quốc ghi công về xã Tân Phú Thạnh để thờ cúng. Tuy nhiên, khi bà Hương lên tỉnh Đồng Nai để rút hồ sơ mới vỡ lẽ gia đình mẹ kế đã giả mạo chữ ký của bà, để làm giấy ủy quyền thờ cúng liệt sĩ cho gia đình mẹ kế. Khi ấy, bà cũng chẳng biết phải giải quyết như thế nào. Vì vậy, bà đành trở về quê trình bày sự việc với địa phương. Lúc ấy, bà đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của ông Phúc. “Lúc đó vợ chồng tôi có biết làm như thế nào đâu. Tất cả là nhờ chú Phúc giúp đỡ, chú đã hướng dẫn tôi tận tình từng đường đi nước bước, nếu không có chú chắc chúng tôi không rút hồ sơ anh tôi về được và cũng chẳng thể làm hồ sơ truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ của tôi”, bà Hương bộc bạch.

Không riêng gia đình bà Hương mà với những gia đình chính sách khác, ông Phúc đều tận tình như vậy. Gắn bó với công việc chăm lo gia đình chính sách suốt 30 năm là ngần ấy năm ông Phúc không cho phép mình lơ là trong công việc. Bởi, ông hiểu rằng chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng là có lỗi với gia đình chính sách. Vì vậy trong công việc, ông luôn tận tâm, tận tụy hết mình. Ông Phúc bộc bạch: “Thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu để giành lấy nền hòa bình, độc lập cho dân tộc. Vì vậy, có thể giúp gì được cho gia đình chính sách, tôi luôn sẵn lòng, không nề hà thiệt hơn”.

Hết lòng chăm lo, đền đáp công ơn…

Trong căn nhà tình nghĩa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, giờ đây, ông Bùi Văn Của (người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam), ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy có cuộc sống ổn định hơn xưa. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Của vui mừng khi chia sẻ về sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho gia đình mình cũng như các hộ chính sách khác. Ông Của cho biết: “Địa phương cũng còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền luôn thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Vào những ngày lễ, tết, địa phương đều đến thăm hỏi, động viên gia đình tôi. Không những vậy, hàng tháng cán bộ thương binh và xã hội địa phương còn đến tận nhà để cấp phát tiền trợ cấp cho gia đình chính sách chúng tôi”.

Dù điều kiện đi đến nhà một vài đối tượng chính sách cũng còn khó khăn, nhưng cán bộ xã luôn nhiệt tình, đến tận nhà người có công để cấp phát tiền hàng tháng. Chị Bùi Thị Minh Trang, công chức văn hóa - xã hội xã Hiệp Lợi, chia sẻ: “Trong chiến tranh, các cô, các chú đã chịu nhiều mất mát hy sinh vì nền độc lập của non sông đất nước. Cho nên, những việc tôi làm chưa là bao so với công lao to lớn ấy”. Với những gia đình hưởng chế độ phát sinh như mai táng phí; trợ cấp một lần; điều dưỡng thương binh, bệnh binh... đều được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định…

Không chỉ thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Việc làm này thể hiện tình cảm, lòng tri ân đến sự hy sinh, cống hiến của các mẹ trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Trò chuyện cùng chúng tôi, giọng run run, Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tròn, ở ấp 6, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Chồng và con trai mẹ đã hy sinh cho cách mạng, bản thân mẹ từng bị địch bắt tù đày. Nỗi đau vô hạn nhưng mẹ luôn tự hào về chồng, con đã hy sinh vì Tổ quốc. Bên cạnh sự hiếu thuận của các con, hàng quý, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương còn đến thăm hỏi, chăm sóc mẹ chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Mẹ Tròn được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Vị Thủy nhận phụng dưỡng. Từ năm 2015 đến nay, hàng quý ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện lại đến thăm mẹ, trao tặng số tiền 1,5 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm như đường, nước mắm, bột ngọt… Số tiền ấy, do 9 cán bộ, công nhân viên đơn vị đóng góp. Ông Cường bộc bạch: “Trong chiến tranh, các mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những người thân thương nhất của mình cho Tổ quốc. Nay sống trong hòa bình, chúng tôi nghĩ rằng thế hệ hôm nay phải “Uống nước nhớ nguồn” và có trách nhiệm trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Và chúng tôi luôn xem Mẹ Tròn như là người thân của mình, để tận tâm chăm sóc. Hàng tháng, anh em chúng tôi đã tự nguyện đóng góp một phần thu nhập của mình, để chăm lo đời sống của Mẹ Tròn được tốt hơn”.

Trong những năm qua, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức kinh tế - xã hội trong tỉnh thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể như vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm”, “Phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… Những việc làm đó đã khơi dậy tình cảm trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên những người có công tiếp tục phấn đấu vươn lên cống hiến cho xã hội. Và những việc làm nghĩa tình ấy sẽ tiếp tục được thực hiện…

Phát tiền trợ cấp đến tận nhà

Một số xã, phường, thị trấn còn cử cán bộ đến tận nhà để cấp phát tiền trợ cấp hàng tháng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Hoạt động này, vừa tạo thuận lợi cho gia đình chính sách, đồng thời, còn thể hiện tinh thần tri ân sâu sắc của chính quyền địa phương…

 

“Giảm nghèo trong gia đình chính sách và đảng viên thuộc hộ nghèo”

Từ tháng 6-2017, huyện Châu Thành A thực hiện mô hình “Giảm nghèo trong gia đình chính sách và đảng viên thuộc hộ nghèo”. Theo đó, 1 hộ gia đình chính sách nghèo, hoặc đảng viên thuộc hộ nghèo được 1 đến 2 phòng, ban, ngành ở huyện giám sát, hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho họ làm ăn, xây dựng cuộc sống ngày càng phát triển… Từ khi mô hình được thực hiện các phòng, ban, ngành huyện thường xuống thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách nghèo, nhằm nắm rõ họ đang cần gì, thiếu gì để có cách giúp đỡ hiệu quả nhất.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Bài 3: Đền ơn đáp nghĩa là nghĩa, là tình, là trách nhiệm, là đạo lý giữa thời bình

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>