Tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc

26/04/2016 | 07:09 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Kha (ảnh), Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang. Ông Kha cho biết thêm:

- Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong 12 năm qua, chúng tôi đã chỉ đạo, lãnh đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các năm qua, tỉnh đã thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc với tổng kinh phí trên 200 tỉ đồng như thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I, giai đoạn II và đến nay Trung ương đã đầu tư cho tỉnh trên 82 tỉ đồng để xây dựng các công trình cầu, đường, nhà văn hóa, sửa chữa chùa, hỗ trợ học sinh nghèo… Kết quả đã hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất cho gần 1.180 hộ đồng bào dân tộc, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề cho gần 1.150 người, với tổng kinh phí trên 35 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 8 công trình nước tập trung và 1.500 hộ sử dụng nước phân tán, với tổng kinh phí 9 tỉ đồng. Ngoài ra, còn thực hiện một số chính sách khác như cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc…

Thời gian qua, dù có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình dành cho đồng bào dân tộc để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhưng hiện nay tỷ lệ này vẫn còn cao, nguyên nhân do đâu, thưa ông ?

- Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện các chính sách dân tộc ở nhiều nơi chưa tốt; nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ chưa được nâng cao, ý thức cộng đồng tham gia xây dựng, quản lý, sử dụng các chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế, đồng bào còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ cấp xã còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn các xã, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, bất cập. Đa số địa bàn thực hiện các chính sách dân tộc là vùng sâu, đồng bào lại quá nghèo, thiếu vốn sản xuất, kiến thức còn hạn chế, trong khi đó chất lượng đội ngũ cán bộ cũng còn yếu. Một số cán bộ chưa phát huy hết vai trò tham gia, giám sát của cộng đồng trong thực hiện các chính sách dân tộc.

Để tháo gỡ những khó khăn đó, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh có những cách làm nào, thưa ông ?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư kết cấu hạ tầng như cầu, đường, giao thông nông thôn, nhà ở, đất ở; chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa và các dân tộc khác; khôi phục lại các loại hình hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao truyền thống tiêu biểu của đồng bào…

Song song đó, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để sửa chữa, xây dựng chùa, miếu, lò hỏa táng của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa theo quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện chủ trương của Nhà nước về mua bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đồng bào nghèo, cận nghèo theo quy định…

Xin cảm ơn ông !

NHẬT TÂN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>