Thống kê nhật ký công việc phải nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế

11/03/2024 | 08:18 GMT+7

Qua 2 tháng triển khai thực hiện Đề án số 09 quy định tạm thời về vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn gặp phải không ít hạn chế, khó khăn.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, dành nhiều tâm huyết trong việc chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc.

Có kết quả nhưng hạn chế còn nhiều

Thời gian qua, Văn phòng Tỉnh ủy đã nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc. Từ tháng 12-2023, Văn phòng đã thực hiện thống kê nhật ký công việc hàng ngày. Cụ thể, số giờ làm việc bình quân tháng 12 của Văn phòng là 6,52 giờ/ngày/người, tháng 1 là 6,55 giờ và tháng 2 là 4,92 giờ.

Ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện, Văn phòng Tỉnh ủy rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, phải có vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của người đứng đầu cơ quan cho đến trưởng phòng trực thuộc; đề cao tính tự giác, trung thực của cán bộ, công chức. Trong kê khai nhật ký công việc, người kê khai phải trung thực; người kiểm tra, rà soát phải công tâm, khách quan; kết quả tổng hợp hàng ngày phải công khai trong đơn vị đảm bảo sự minh bạch và để có sự kiểm tra chéo lẫn nhau.

Viên chức trong đơn vị sự nghiệp của Đảng ghi nhật ký công việc hàng ngày.

Bên cạnh đó, kiên quyết thực hiện kê khai nhật ký công việc hàng ngày để tránh tình trạng… nhớ nhầm trong kê khai; có bảng tổng hợp kê khai hàng ngày của phòng, của cơ quan hàng tháng để dễ theo dõi, nắm công việc trên cơ sở bảng ghi nhật ký công việc của từng cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, theo ông Đồng Hoàng Dũng, Văn phòng Tỉnh ủy cũng có một số khó khăn gặp phải trong thực hiện. Đó là việc xác định thời gian thực hiện một số sản phẩm đầu ra chưa được cụ thể. Thời gian đầu thực hiện, lãnh đạo phòng xét duyệt thời gian ghi nhật ký công việc của công chức thì xét duyệt theo đúng giờ mà công chức đưa ra, không xét duyệt thấp hơn, đôi lúc chưa trung thực. Sau đó có sự chấn chỉnh nên việc thực hiện được thực chất hơn.

Mặt khác, Văn phòng Tỉnh ủy đưa ra 47 đầu công việc theo từng cấp độ, nhưng việc kê khai đôi lúc chưa sát với cấp độ và đầu công việc, còn chồng chéo, phần lớn chưa sử dụng hết giờ quy định…

Không riêng Văn phòng Tỉnh ủy, quá trình triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt được kết quả bước đầu nhưng cũng có nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, về kết quả đạt được, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ đều xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc hàng ngày là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc của cán bộ, nên tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, thông qua việc thống kê nhật ký công việc đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở để nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ. Nhiều cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ đã chủ động đề xuất lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình. Giờ giấc làm việc hàng ngày của cán bộ có chuyển biến tích cực, tình trạng đi trễ, về sớm, làm việc riêng trong giờ làm việc bước đầu đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế gặp phải là nhận thức của một số cán bộ về việc thống kê nhật ký công việc chưa đầy đủ, còn có biểu hiện ngại khó, thống kê chưa trung thực thời gian làm việc, có trường hợp thời gian làm việc thì nhiều nhưng chưa rõ sản phẩm công việc, hoặc chỉ liệt kê những công việc chưa rõ sản phẩm (nghiên cứu, đọc văn bản, tài liệu; tiếp xúc trao đổi công việc với đồng nghiệp, đi công tác cơ sở).

Mặt khác, một số cán bộ, công chức ý thức chưa cao trong việc ghi nhật ký, cố gắng ghi cho đủ số giờ chuẩn theo quy định; một số cơ quan do đặc thù công việc có cán bộ đi công tác thường xuyên nên không ghi nhật ký công việc đầy đủ trong ngày, dẫn đến quên kê khai hoặc kê khai chưa chính xác. Một số cán bộ thống kê công việc hàng ngày còn lúng túng, có cách hiểu khác nhau…

Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng

Theo ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, qua 2 tháng triển khai Đề án số 09 đã thể hiện những mặt tích cực. Trước hết, nhận thức của từng công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị có sự chuyển biến bước đầu, có nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện thì chưa đạt được như kỳ vọng, mục đích, yêu cầu mà đề án đưa ra. Cán bộ, công chức có tâm lý sợ cuối năm “nằm ở tốp cuối”, sợ thực hiện tinh giản biên chế theo Đề án số 06 của Tỉnh ủy về “thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ”. Chính vì vậy, ý thức của cán bộ, công chức khi ghi nhật ký công việc hàng ngày có mặt chưa sát, chưa thực; cán bộ, công chức cố gắng làm sao để những sản phẩm của mình chiếm thời gian nhiều nhất, để “không nằm trong tốp cuối” trong việc đánh giá cuối năm.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn cho rằng nỗ lực, quyết tâm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị trong triển khai tổ chức thực hiện Đề án số 09 còn lơ là, chưa quyết tâm, quyết liệt. Trong việc xác nhận kết quả hàng ngày theo bảng nhật ký công việc của cán bộ, công chức thì vai trò của người có quyền xác nhận cũng còn mang tính chất hình thức, chưa có sự thẩm tra, thẩm định, còn e ngại, xuê xoa, sợ bị mất lòng, gây ra hiệu ứng không tốt, cần phải chấn chỉnh.

Do việc đánh giá thiếu thực chất nên cách nhìn nhận của cán bộ, công chức cho rằng mình kê khai như thế thì cũng đã đạt được yêu cầu đặt ra, dẫn đến tính quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực không đạt theo mong muốn của Đề án số 09. Nếu tình trạng người đứng đầu cứ làm xuê xoa, nể nang, qua loa như thế thì không tạo được động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức làm được việc. Bởi, người làm được việc sẽ thấy rằng mình làm nhiều việc mà được đánh giá cũng như người làm ít việc hơn, ít hiệu quả hơn thì sẽ không tạo được động cơ, động lực làm việc cho họ.

Từ thực tế triển khai Đề án số 09, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng vai trò người đứng đầu có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện Đề án. Người có quyền xác nhận sản phẩm của công chức làm ra phải hết sức căn cơ, có sự quyết đoán. Đối với khối lượng công việc, sản phẩm mà công chức kê khai thì cần thẩm định và sự điều chỉnh đúng thực tế, thậm chí có phê bình, để công chức có ý thức ghi chép nhật ký công việc hàng ngày được tốt hơn…

Đánh giá các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều nỗ lực trong thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc, nhưng ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhìn nhận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, trong đó, thời gian làm việc bình quân của mỗi người tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương ở mức cao “bất thường” và “không trung thực”. Nguyên nhân là do nhận thức, hiểu biết về thực hiện nhiệm vụ này chưa đầy đủ; thiếu kiên quyết, quyết liệt trong thực hiện…

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc, vì đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, là công cụ để đánh giá, xếp loại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở để quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng cho những trường hợp hoàn thành tốt công việc được giao. Đồng thời, lưu ý việc quản lý thống kê công việc, thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan, đúng thực tế. Trong quá trình thực hiện Đề án vị trí việc làm và thống kê nhật ký công việc nếu có vấn đề phát sinh thì kịp thời rà soát, bổ sung, cập nhật…

Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ ngày 2-1 đến ngày 29-2, có 734 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện thống kê công việc hàng ngày (không tính người được cử đi học tập trung, đang nghỉ hộ sản theo quy định). Kết quả, thời gian làm việc bình quân của mỗi người trong tháng 1 là 154,61 giờ/người/tháng, tính bình quân 7,03 giờ/người/ngày (tháng 1 có 22 ngày làm việc, số giờ chuẩn theo quy định là 176 giờ). Thời gian làm việc bình quân của mỗi người trong tháng 2 là 111,67 giờ/người/tháng, tính bình quân 6,98 giờ/người/ngày (tháng 2 có 16 ngày làm việc, số giờ chuẩn theo quy định là 128 giờ).

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>