Thi đua là nền tảng phát triển

25/09/2020 | 06:38 GMT+7

Cứ 5 năm một lần, đại hội thi đua yêu nước được tổ chức (cấp cơ sở là hội nghị điển hình tiên tiến) để tuyên dương những tập thể, cá nhân xuất sắc, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, cổ vũ hơn nữa tinh thần thi đua làm việc tốt trong xã hội.

 Hậu Giang tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V năm 2020 vào thời điểm tỉnh đang gấp rút chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây có thể gọi là hội nghị chuyên đề làm sâu sắc hơn thành tựu Hậu Giang đạt được trong 5 năm qua.

Năm lần tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước, Hậu Giang ghi nhận hàng ngàn nhân tố rất tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho quê hương trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội…

16 năm xây dựng và phát triển, Hậu Giang cũng ghi nhận nhiều nội dung thi đua, cấp độ thi đua phù hợp với từng giai đoạn. Đó là thi đua khắc phục khó khăn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng vào những năm đầu thành lập; là thi đua sáng tạo, đổi mới, thích ứng với công việc; thi đua làm ngàn việc tốt cho gia đình chính sách, hộ nghèo; thi đua trong nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân; thi đua hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; thi đua thu hút đầu tư. Đó còn là thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thi đua giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng; thi đua chuyên đề, đột xuất của các cấp, ngành, địa phương…

Từ thi đua khắc phục khó khăn đến nâng tầm thi đua đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, về đích sớm là những gì có thể khái quát một giai đoạn 16 năm thi đua xây dựng quê hương của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân Hậu Giang.

Đọc lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 11-6-1948) thấy rằng Người không chỉ kêu gọi trong lúc đất nước nguy nan mà khi nước nhà hòa bình, thống nhất, những lời dạy ấy vẫn nguyên giá trị. Xem đây là kim chỉ nam cho hành động thi đua ái quốc mà Hậu Giang đã, đang và sẽ thi đua hơn nữa để khẳng định lòng yêu nước, yêu quê hương.

Thi đua “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”, “dẹp tan mọi nỗi khó khăn” được Hậu Giang chủ động phát động đến tận cơ sở thực hiện thường xuyên, liên tục và đã đánh đuổi được địch - giặc đói, giặc dốt, nghèo khó, độc đạo, chậm phát triển… Đến nay đạt được “những kết quả toàn diện, quan trọng và nổi bật trên một số lĩnh vực”, được nhắc nhiều về thành tích nông thôn mới, phát triển đô thị, giáo dục, thu nhập bình quân đầu người…

Thi đua và yêu nước gắn liền với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Quan điểm thi đua là yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng truyền thống của lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường của con người Việt Nam. Người đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Gắn với thi đua là tuyên dương, khen thưởng. Có đến hàng ngàn tập thể, cá nhân ở Hậu Giang được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh… và danh sách ấy ngày càng dày thêm qua từng giai đoạn thi đua. Điều đó đã động viên, khích lệ, làm phong trào thi đua ở tỉnh thêm lan tỏa mạnh mẽ, cuốn hút người người thi đua, nhà nhà thi đua kiến thiết quê hương.

Ở tuổi 16, 17, với nền tảng vững chắc, năng lượng tràn trề, thi đua của Hậu Giang hứa hẹn gặt hái thêm nhiều thành tựu. Giai đoạn mới, nhiệm kỳ mới, nhân tố mới, thi đua của tỉnh nhà có thêm những bứt phá để luôn về đích sớm...

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>