VỊ THANH: HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Sông, kinh, hồ tiêu biểu trên địa bàn thành phố

04/06/2021 | 10:51 GMT+7

Thành phố Vị Thanh là “một đô thị sông nước” với hệ thống dòng chảy tự nhiên và nhân tạo bao gồm sông và nhiều nhất là mạng lưới kênh đào chằng chịt.

Rạch Cái Sình ở phường VII, thành phố Vị Thanh. Ảnh: T.THỨC

Sông Cái Lớn

Sông Cái Lớn phát nguồn từ Lung Ngọc Hoàng (địa bàn giáp ranh huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ) từ xa xưa, do đây là vùng lung rừng trũng sâu, ngập nước. Vào mùa nước nổi, tiếp nhận thêm nguồn nước từ sông Hậu đổ qua, nên tạo dòng chảy mạnh thành đoạn đầu sông Cái Lớn chảy qua đất Long Mỹ, Gò Quao, Vị Thanh… đổ ra biển Tây. Trên đất Long Mỹ, một ngã từ xã Long Trị, Long Bình chảy qua đất huyện Vị Thủy, tới địa bàn xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, kêu là sông Nước Đục. Ngã thứ hai gọi là sông Nước Trong, cũng là ranh giới giữa huyện Gò Quao (Kiên Giang) và huyện Long Mỹ (Hậu Giang), huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Sông Nước Đục chảy đến địa bàn TP. Vị Thanh tẽ thành một ngã ba, tại điểm giáp nước gọi là Ngã Ba Di Hạn. Đoạn chảy tiếp qua đất Kiên Giang là sông chính Cái Lớn ra thẳng biển Tây. Một nhánh khác là rạch Cái Tư rẽ vào các xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, cũng là ranh giới giữa thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Từ năm 1901 - 1903, kinh xáng Xà No đào nối từ đất Phong Điền (Cần Thơ) qua đất Vị Thanh - Hỏa Lựu (Rạch Giá) gặp rạch Cái Tư tại điểm chợ Vàm Xáng, Hỏa Lựu (phường VII hiện nay).

Sông Cái Lớn có chiều dài toàn tuyến gần 60km, với mạng lưới chi lưu chằng chịt. Đoạn chảy qua tỉnh Hậu Giang (Long Mỹ, Vị Thanh) khoảng 30 - 35km, có độ sâu trung bình 15m, rộng 200m, ở đầu nguồn thì hẹp khoảng 10 - 80m, càng tới gần cửa biển Tây, sông rộng ra từ 500 - 800m, có nơi 1.000m.

Rạch Cái Tư

Rạch Cái Tư dài khoảng 20km, là một nhánh tỏa ra từ sông Cái Lớn, tại đoạn Ngã Ba Di Hạn rồi chảy đến gặp kinh Xà No và Rạch Gốc. Nơi đây có cây Cầu Đúc (xưa) được thay bằng cầu Cái Tư hôm nay, nối liền TP. Vị Thanh (Hậu Giang) với huyện Gò Quao (Kiên Giang). Cầu dài 514m, lưu thông 4 làn xe. Cái Tư như một dòng sông ranh giới giữa TP Vị Thanh (Hậu Giang) và huyện Gò Quao (Kiên Giang); kết nối TP. Vị Thanh - Tây sông Hậu với vùng Bắc bán đảo Cà Mau, rồi chảy ra biển Tây.

Rạch Cái Su

Rạch Cái Su nối từ sông Nước Đục chảy vào đất xã Hỏa Lựu, dài khoảng 2km rộng 12m. Đây cũng là một trong những nhánh sông đưa lớp người khẩn hoang, lập nghiệp khai mở đất Hỏa Lựu.

Rạch Cái Nhum

Rạch Cái Nhum cũng là một nhánh của rạch Cái Tư, chảy qua phường I - trung tâm thành phố Vị Thanh. Con rạch này đã mất tích từ khi đào kinh Xà No, rồi qua tiến trình đô thị hóa, xây dựng nhiều công trình.

Hỏi chuyện một số vị cao niên, như ông Hai Ban (93 tuổi, ngụ ở phường IV), ông nhận định: Con rạch Cái Nhum nối từ khu vực phố chợ chảy qua rạch Tràm Cửa, rồi xuống tới rạch Ông Vèo. Có lẽ khi kinh Xà No đào tới cắt đứt một đoạn rạch Cái Nhum, đoạn bên trong do làm khu trù mật (1959) bị san lấp mất tích (?).

Rạch Cái Nhúc

Rạch Cái Nhúc nối từ kinh Xáng Hậu đến kinh Xà No trên địa bàn phường III. Đây là con rạch quy cách trung bình, dài khoảng 600m, rộng 15m. Có thể khi kinh Xà No đào cắt ngang một phần ngọn rạch. Nên sau này, người ta đào nối thêm một con kinh khác tên gọi “Kinh Tắt Huyện Phương”, về phía bên kia kinh Xà No, trên đất xã Vị Tân.

Rạch Cái Sình

Rạch Cái Sình nối kinh Xáng Hậu trên đất phường VII, gặp kinh Xà No. Đoạn giữa bị cắt một khúc khi đào kinh Xà No, đoạn cuối ăn vô rạch Ba Doi. Rạch Cái Sình có chiều dài khoảng 1.500m, rộng khoảng 15m.

Kinh Chủ Chẹt

(Kinh Cầu Lẫm)

Kinh Chủ Chẹt còn gọi là kinh Cầu Lẫm, loại kinh ngang đào từ kinh Xà No sâu vô đất xã Hỏa Lựu, ra sông Nước Đục. Từ thời Pháp thuộc kinh được đào để vừa tiêu úng, xổ phèn, có nước ngọt canh tác; vừa thuận tiện giao thông chuyên chở lúa khi thu hoạch. Kinh có chiều dài 3.000m, rộng 16m. Ngày nay, phần lớn kinh Chủ Chẹt chảy trên đất phường VII.

Rạch Gốc

Rạch Gốc nối từ sông Nước Đục đi sâu vào địa bàn xã Hỏa Lựu, xã Tân Tiến tiếp giáp rạch Cái Tư, gặp đoạn cuối kinh Xà No. Nơi đây có một con kinh gọi là kinh Tắt ăn vô rạch Ba Doi, giáp Vàm Xáng (chợ Phường VII). Phía rạch giáp sông Cái Lớn có một đoạn mới đào gọi là Kinh Mới.

Rạch Hốc Hỏa

Rạch Hốc Hỏa từ rạch lớn Cái Tư chảy vào đất tại xã Tân Tiến, Hỏa Tiến, chiều dài 4.000m, rộng 20m.

Đây là con rạch có tên trong sách cổ “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, soạn từ triều Gia Long, công bố năm 1820 (triều Minh Mạng).

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>