Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

24/07/2017 | 08:50 GMT+7

(Tiếp theo)

Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017), Báo Hậu Giang trích đăng nội dung về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn.

Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới

Quan hệ hợp tác toàn diện và đa dạng giữa các địa phương và hợp tác biên giới thực sự là nét nổi bật, tạo ra nền tảng và chiều sâu của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. 

Về chính trị, các tỉnh biên giới và các địa phương kết nghĩa của hai nước đã cử nhiều đoàn đại biểu đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp,… duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức, hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Đặc biệt, hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để lớp lớp thế hệ mai sau luôn giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước. 

Về quốc phòng - an ninh, các tỉnh có chung đường biên giới quốc gia với nhau thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh liên quan đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của mỗi bên. Hai bên duy trì đều đặn giao ban công tác biên giới, tổ chức tuần tra song phương và bảo trì mốc giới trên tuyến biên giới. Nhân dân các vùng biên giới ngày càng tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt quy chế biên giới, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn hằng ngày để ổn định và phát triển đời sống.

Về kinh tế, hợp tác giữa các địa phương kết nghĩa và các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam và Lào đã mang lại những hiệu quả sâu rộng và thiết thực trong việc cùng nhau xóa nghèo, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch ngày càng được đẩy mạnh, nhất là từ năm 2001. Các địa phương của Lào đã giúp hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, từ đó mở rộng sang thị trường nước thứ ba, trước hết là các nước trong Tiểu vùng Mê Công, cũng như giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam. Các tỉnh của Việt Nam giúp Lào trao đổi và vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là giúp về kho bãi và đường ra biển. Các doanh nghiệp địa phương của Việt Nam đã bắt đầu chú ý đầu tư vào các ngành khai khoáng, thủy điện, công nghiệp chế biến gỗ, phân bón, dược phẩm, trồng cao su,… kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, tạo ra những mô hình sản xuất kinh doanh mới, gắn phát triển kinh tế với thực hiện mục tiêu công bằng xã hội và phát triển bền vững. 

Một số địa phương của Việt Nam đã triển khai hợp tác có hiệu quả tốt với các địa phương của Lào như: Sơn La hợp tác với sáu tỉnh Bắc Lào, đặc biệt là tỉnh Hủa Phăn và Luổng Phạbang; Hà Tĩnh với tỉnh Bolikhămxay; Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn; Quảng Trị với Xavẳnnakhệt; Nghệ An với Xiêng Khoảng; Kon Tum với Áttapư,… Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình hợp tác với Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Chămpaxắc.

Những dự án hợp tác theo đơn vị lãnh thổ ở các tỉnh biên giới cùng với các chương trình dự án quy hoạch quốc gia giữa hai nước là những nội dung hợp tác mới và có hiệu quả cao. Các địa phương Việt Nam và Lào phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có về đất đai và nguồn tài nguyên, nhân lực của mỗi bên cũng như giúp nhau bảo vệ môi trường, phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của hai nước. 

Các địa phương không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhau một cách thiết thực bằng kinh nghiệm, khả năng sẵn có theo truyền thống vốn có, mà đã có sự chuyển hướng tích cực trong hợp tác cùng phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, như: chuyển giao công nghệ sinh học, nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất giống cây có giá trị kinh tế cao, phối hợp hình thức gieo giống, cung cấp nguyên liệu chiết xuất cây trầm gió của tỉnh Hà Tĩnh; chuyển giao kỹ thuật và công nghệ chế biến thức ăn viên cho cá của Thành phố Hồ Chí Minh; lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Xiêng Khoảng 2010-2020 của tỉnh Nghệ An; nâng cao năng lực của các trạm thu phát truyền hình ở các huyện tỉnh Hủa Phăn của tỉnh Thanh Hóa,… với số vốn hàng chục tỉ đồng.

Hợp tác giáo dục - đào tạo ở các địa phương được mở rộng và tăng cường. Tính đến cuối năm 2006, có 1.046 học sinh Lào học tập tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có 383 cán bộ, học sinh ở các bậc học đào tạo bằng nguồn ngân sách của các địa phương. Các địa phương Việt Nam cũng đã giúp đỡ nhiều cơ sở đào tạo tại Lào như: Quảng Bình xây dựng Trường Phổ thông Khăm Muộn; Hà Nội xây dựng Trường Trung cấp Kỹ thuật chăn nuôi ở Viêng Chăn; Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Trường Trung học phổ thông Xỉkhốt ở Viêng Chăn, đồng thời cung cấp cho hai địa phương kết nghĩa là Viêng Chăn và Chămpaxắc 100 suất học bổng đại học,…

Trong những năm 2001-2010, hai bên đã phối hợp thực hiện tốt Hiệp định về quy chế biên giới, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh, đặc biệt là phối hợp phòng chống vận chuyển và mua bán ma túy qua biên giới, góp phần xây dựng biên giới hai nước là đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Để thúc đẩy hợp tác phát triển toàn diện và ổn định vùng biên giới hai nước, hai bên đã ký kết Thỏa thuận Hà Nội 2007 nhằm cải tiến thủ tục kiểm tra, kiểm soát qua lại giữa hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại biên giới hai nước; triển khai dự án tăng dày và tôn tạo cột mốc hệ thống quốc giới Việt Nam - Lào để thực hiện vào năm 2008. Đặc biệt, hai bên đã phối hợp và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nông nghiệp, thủy lợi, y tế, các cụm bản ở khu vực biên giới nhằm bảo đảm ổn định an ninh - quốc phòng.

Quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh càng tô đậm thêm những dấu ấn tình cảm chia ngọt sẻ bùi, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” của bà con Việt Nam và Lào. Sau cơn bão số 8 năm 1985, Đoàn đại biểu đảng, chính quyền và đoàn thể tỉnh Khăm Muộn (Lào) đã kịp thời có mặt tại tỉnh Bình - Trị - Thiên, ủng hộ lương thực, hàng hóa trị giá 215.700 kíp, tỉnh Xavẳnnakhệt giúp 220m3 gỗ và 10.000 cây tre. Năm 1989, khi biết cơn bão số 9 gây thiệt hại một số nơi thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum (Việt Nam), Tỉnh ủy và Ủy ban chính quyền Áttapư đã lập tức gửi tặng nhân dân Gia Lai - Kon Tum 2.000 tấn thóc để cứu trợ cho những vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả. Đó là những món quà có ý nghĩa vô cùng quý giá, thể hiện truyền thống đoàn kết gắn bó “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” giữa nhân dân hai nước Lào và Việt Nam. 

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2010, gắn với việc Việt Nam và Lào cùng tiến hành sự nghiệp đổi mới, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam có nhiều biến chuyển cả về nội dung và phương thức, ngày càng phù hợp với yêu cầu và điều kiện của mỗi nước và tình hình thế giới. Trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hai nước luôn xác định tập trung vào những lĩnh vực có thể phát huy được thế mạnh và điều kiện thuận lợi căn bản của mỗi nước, kết hợp thỏa đáng thông lệ và tập quán quốc tế với tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, có sự ưu tiên, ưu đãi cho nhau phù hợp với khả năng của mỗi nước. Từ năm 2001 đến 2010, hai nước đã xây dựng các thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật cho các giai đoạn 5 năm (2001-2005, 2006-2010), 10 năm (2001-2010), sau đó là hàng loạt hiệp định, nghị định thư và các thỏa thuận hợp tác cũng được ký kết, tạo thành một hệ thống các cơ chế hợp tác và khung pháp lý quan trọng để các bộ, ngành hai bên áp dụng; nhờ đó tính hiệu quả của quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào được chú trọng và nâng lên rõ rệt.

Với những thành quả to lớn đạt được trong giai đoạn 1986-2010, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đang trở thành yếu tố quyết định trong việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, tạo tiền đề cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới. 

 (Còn tiếp)

(Nguồn: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 1930-2017, Tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn).

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>