Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Nông nghiệp trong khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu

22/09/2023 | 05:52 GMT+7

Sau Hiệp định Đình chiến - Giơnevơ 1954, do vùng Hỏa Lựu, Vị Thanh trước là vùng giải phóng, nên chính quyền Ngô Đình Diệm đưa quân đóng đồn, tái lập bộ máy cai trị.

Kinh 59, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, được đào trong giai đoạn 1954-1975 nhằm đưa nước ngọt từ kinh Xà No về các cánh đồng bên kia kinh tới đất Gò Quao, Giồng Riềng.

Chúng buộc nông dân (tá điền) phải làm khế ước thuê đất điền chủ. Sau đó, thực hiện chủ trương “hữu sản hóa nông dân”, rồi “người cày làm chủ sở đất đang cày”, xây dựng “khu trù mật”,… các chính sách trên gây xáo trộn rất nhiều đối với đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương.

Đáng chú ý, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tiến hành chủ trương xây dựng “Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu”, với ý đồ cách ly người dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Trong đó, huy động người dân về cư trú - sản xuất nông nghiệp tập trung theo “kiểu mới”; phải hội đủ ba điều kiện cần yếu: An ninh - giao thông - kinh tế” (theo Đặc san Quốc khánh 1961 - tỉnh Phong Dinh).

Cũng theo tài liệu trên, đồ án Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu được thiết kế tiến hành như sau: Về vị trí địa lý, chiều dài 7km, lấy kinh Xà No làm trung tâm, mỗi bên sâu vô 2km. Nếu xây dựng hoàn chỉnh diện tích sẽ lên đến 28km2, tọa lạc trên phần đất 2 xã: Vị Thanh và Hỏa Lựu, ở khoảng giữa đường Liên tỉnh 31. Hướng Tây Bắc, lấy rạch Nàng Chăn và Ba Doi làm ranh giới. Hướng Tây Nam, dẫn đến chợ Hỏa Lựu gần Cầu Đúc.

Trong khu trù mật, bố trí thành 4 khu chức năng: Khu một, tại xã Vị Thanh diện tích 2km2 (200 mẫu, tức nội ô phường I ngày nay) và khu hai tại xã Hỏa Lựu (diện tích 2km2, tương đương 200 mẫu). Khu thứ ba là phần đất giữa 2 xã Vị Thanh - Hỏa Lựu, diện tích 5km2 (500 mẫu). Riêng khu thứ tư, dành để xây dựng các cơ quan hành chính (tức phần đất tòa hành chính Chương Thiện, sau giải phóng là trụ sở các cơ quan chính quyền nay là tòa nhà Vincom). Để hình thành các khu phải đào đến 80km kinh với trên 1,5 triệu m3 đất làm bờ bao.

Tại 4 khu trên đều bố trí các hạng mục, nhằm lôi kéo nông dân ổn định cư trú lâu dài; chính quyền VNCH đã có nhiều nỗ lực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, đặc biệt là sự phân bố 1.000 lô nhà vườn, mỗi lô hơn 4.000m2. Nơi đây hướng dẫn nông dân trồng nhiều giống cây trồng mới, áp dụng lối canh tác mới, theo khoa học kỹ thuật như đắp mô trồng cây ăn trái, tháp cây, sử dụng phân bón,...

Tại các lô vườn, cơ quan nông vụ của quận Đức Long, tỉnh Chương Thiện trồng các loại cây ăn trái như: dừa, xoài, chuối, mãng cầu và cây thực phẩm ngắn hạn. Theo tư liệu, đến cuối năm 1961 trong khu trù mật đã trồng: 1.208 cây dừa (Bến Tre) và 1.716 cây ăn trái (xoài, vú sữa, bưởi...). Tại 2 khu Vị Thanh, Hỏa Lựu, cơ quan canh nông Đức Long, Chương Thiện còn lập 2 vườn ươm cây ăn trái, cây kỹ nghệ và cây thực phẩm có giá trị, thích hợp với đất đai địa phương. Huấn luyện kỹ thuật tháp cây cho nông dân. Cuối năm 1960, đã trồng được 31.094 cây dừa (giống Bến Tre), 250 cây dừa dầu, 5.000 cây ăn trái, 3.500 cây cam, bưởi tháp. Ngoài ra, còn trồng thử nghiệm cây kê-na, cây mã thầy (củ năng Tàu), nấm rơm,...

Song song với lập vườn, Chi Nông vụ Đức Long (Chương Thiện) còn tổ chức hướng dẫn chăn nuôi, đưa về giống heo Yorkshire và lập trại heo giống tại Vị Thanh, Hỏa Lựu.

Để mở rộng diện tích trồng lúa, chính quyền VNCH cho đào các con kinh Xáng Hậu, kinh 59, kinh 62 đưa nước ngọt về các cánh đồng bên kia kinh Xà No, tới đất Gò Quao, Giồng Riềng.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>