Nhớ về một tiểu đoàn anh hùng

26/04/2019 | 08:02 GMT+7

Đó là Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1 - U Minh từng khiến kẻ thù khiếp sợ với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), mới đây, các cựu chiến binh từng là chiến sĩ của Tiểu đoàn 309 có buổi họp mặt truyền thống đầy ý nghĩa.

Người từng chiến đấu trong lực lượng Tiểu đoàn 309 năm xưa tham dự buổi họp mặt không còn nhiều, vì vậy mà những người có mặt hôm đó luôn trân trọng, nâng niu mỗi khoảnh khắc, mỗi phút giây gặp gỡ thấm đượm nghĩa tình.

Buổi họp mặt bắt đầu bằng những cái bắt tay, những cái ôm thân thiết và là những câu chuyện không có điểm dừng về cuộc sống hiện tại của mỗi người. Họ không quên kể về những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 309 cách đây hơn nửa thế kỷ.

Sáng sớm, ông Huỳnh Văn Hoàng háo hức chạy xe máy vượt mấy chục cây số từ ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ đến thị xã Ngã Bảy tham dự buổi họp mặt. Ông Hoàng không bao giờ quên “đại gia đình” Tiểu đoàn 309; luôn nhớ về đồng đội thân thương, nhớ dòng sông, bến nước, nhớ tên đất, tên làng và những nơi đơn vị từng đóng quân.

Những người cựu chiến binh Tiểu đoàn 309 anh hùng luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

“Những trận đánh địch của Tiểu đoàn 309 diễn ra cách đây mấy chục năm rồi mà cứ ngỡ như ngày hôm qua. Nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ để mang lại hòa bình, độc lập cho đất nước”, ông Hoàng tâm sự.

Ông Hoàng tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 309 vào năm 1966. Người cựu chiến binh - thương binh này đã cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh ác liệt, gian khổ, đầy máu và nước mắt, nhưng ông nhớ nhất vẫn là trận tập kích địch ở kênh Trực Thăng (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) vào năm 1972.

Nhận mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 309 phối hợp với Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 307 đánh tập kích đoàn xe tăng bọc thép hơn 10 chiếc và bộ binh của địch. Lực lượng của 3 tiểu đoàn lúc đó chỉ có hơn 200 người tấn công theo phương châm “Lấy ít đánh nhiều”.

Khi quân ta nổ súng đánh gần 20 phút thì trực thăng đến chi viện cho địch. Chiến sĩ của 3 tiểu đoàn vừa bắn máy bay dội bom trên đầu, vừa chiến đấu với xe bọc thép, lính bộ binh. Trận đánh diễn ra ác liệt, trong phạm vi 4.000m2, mù mịt khói bụi… Trong trận đánh này, ta tiêu diệt 5 xe bọc thép, hơn 400 tên giặc; một số chiến sĩ của 3 tiểu đoàn đã anh dũng ngã xuống.

 “Chiến sĩ của Tiểu đoàn 309 luôn gan dạ, dũng cảm trong mọi trận đánh. Họ cứ nhắm thẳng quân thù mà bắn, dù có hy sinh tính mạng cũng không từ nan. Chính họ đã tạo nên những chiến công vẻ vang của Tiểu đoàn 309 anh hùng”, ông Hoàng bộc bạch.

Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất Phụng Hiệp lúc đó đầy máu lửa, là địa bàn đối đầu trọng yếu của Quân khu 9 với 21 tiểu đoàn chủ lực và lực lượng bảo an của giặc. Khi ấy, Trung đoàn 1 - U Minh phân công Tiểu đoàn 309 phải đứng vững tại địa bàn này, chiến đấu ngày đêm để giành giật từng tấc đất và bảo vệ Nhân dân.

Năm 1974, Tiểu đoàn 309 hành quân vượt sông Cửu Long về chiến trường Vĩnh Trà - chiến trường trọng yếu của Quân khu 9. Tại đây, tiểu đoàn cùng Trung đoàn 1 - U Minh làm “dậy sóng” đồng bằng khi không đầy 6 tháng đã diệt 18 phân chi khu, 1 tiểu đoàn bảo an…

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 309 tác chiến từ vùng đất Trà Vinh sang Vĩnh Long, điểm cuối đánh tiếp thu căn cứ Trung đoàn 16 - sư đoàn 9 của giặc ở Long Hồ (Vĩnh Long). Ngày 30-4-1975, tiểu đoàn diễu binh trên các trục đường phố lớn của Vĩnh Long, được Nhân dân reo hò mừng đoàn quân chiến thắng.

Sau ngày giải phóng, Tiểu đoàn 309 tiếp tục tham gia chiến đấu để bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia.

Ông Nguyễn Trung Thành, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, chiến sĩ của Tiểu đoàn 309, nhớ lại, trong hơn 1 năm bám trụ ở Nông trường Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), mỗi người lính tiểu đoàn đã tích cực đào kinh thủy lợi để khai phá vùng đất bị nhiễm phèn nặng nơi đây.

 “Cuộc sống của người lính tiểu đoàn lúc ấy rất gian khổ. Đào kinh giữa mùa nắng nóng không có bóng cây che mát, phải uống nước ao, nước phèn. Đến mùa thu hoạch thì đi cắt lúa để giải quyết nạn đói cho dân”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Ngày 31-12-1978, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Tiểu đoàn 309 luồn sâu sang đất Campuchia. 5 giờ sáng ngày 1-1-1979, tiểu đoàn phối hợp cùng Tiểu đoàn 303 tiến công tiêu diệt Sở chỉ huy Sư đoàn 210 của quân Pôn Pốt tại Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang).

Những năm tiếp theo, Tiểu đoàn cùng các đơn vị khác hành quân truy quét tàn quân Pôn Pốt. Chiến sự thời gian này rất gian khổ và ác liệt, nhất là tại các địa bàn như: Bắc Tam Băng, U Đa, An Đông, Tà Sanh, Tức Sóc, Bai Lin… vì có khí hậu khắc nghiệt và vi trùng sốt rét ác tính đã gây ra cái chết cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn.

“Dù có gian khổ đến mấy thì cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn luôn giữ vững tinh thần, khí thế truy quét quân Pôn Pốt, giúp nước bạn xây dựng chính quyền từ cơ sở, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lòng chính quyền cách mạng và Nhân dân Campuchia”, ông Nguyễn Thành Chiến, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309, nhớ lại.

Trong 58 năm xây dựng và chiến đấu, thành tích của Tiểu đoàn 309 gắn liền với chiến công hiển hách và sự hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Dù đến từ nhiều nơi trên mọi miền đất nước, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn sẵn sàng hy sinh cho đất nước hòa bình, để cuộc sống người dân được ấm no, hạnh phúc.

“Hiện, phần lớn cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã nghỉ hưu, nhiều người có cuộc sống khó khăn nhưng họ luôn giữ gìn, phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, vẫn tiếp tục phấn đấu trở thành công dân tốt, làm gương cho con cháu học tập, noi theo”, ông Nguyễn Thành Chiến nhấn mạnh.

Tiểu đoàn 309 thành lập vào ngày 23-11-1963 (tiền thân là Tiểu đoàn U Minh). Với nhiều chiến tích vẻ vang, Tiểu đoàn 309 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang nhân dân; 10 đồng chí trong tiểu đoàn được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>