Vị Thanh: Hình thành và phát triển:

Nhân dân Vị Thanh chống chiến lược bình định của Mỹ – ngụy

29/07/2022 | 09:34 GMT+7

Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi năm 1960, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu bị phá vỡ, Nhân dân trở về quê cũ làm ăn, một số ấp trong xã Vị Thanh được giải phóng. Thời gian này, Chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng du kích, đào hầm chống pháo, bảo vệ vùng giải phóng.

Khu vực kênh xáng Xà No và phường I, thành phố Vị Thanh ngày nay, xưa là trung tâm của tỉnh Chương Thiện.

Phong trào Đồng khởi thắng lợi đã nhanh chóng làm phá sản quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, “lập khu trù mật” của Mỹ - Diệm. Ở Vị Thanh, để đối phó với phong trào đấu tranh của quần chúng đang lên cao, địch đã tăng cường lực lượng quân sự, mở nhiều cuộc càn quét bắn phá vào vùng giải phóng để gom dân lập ấp chiến lược. Địch lấy tuyến kênh xáng Xà No từ Vị Thanh xuống Hỏa Lựu để gom dân lập ấp chiến lược.

Ngày 9-3-1961, Huyện ủy Long Mỹ đã quyết định và tổ chức thành lập chi bộ đảng thị trấn Vị Thanh, tách khỏi chi bộ đảng xã Vị Thanh và trực thuộc Huyện ủy Long Mỹ. Lúc mới thành lập, chi bộ chỉ có 3 đảng viên, gồm đồng chí Nguyễn Văn Ở làm bí thư, đồng chí Lê Đình Phán làm phó bí thư và đồng chí Sáu Om.

Đầu năm 1961, cơ sở nội tuyến của ta là anh Kiểng ở lô cốt cầu Nhà Đèn (cầu Cái Nhúc ngày nay) làm nội ứng diệt 1 tên ác ôn, mang về cho ta 1 súng tự động của Mỹ, làm cho địch ở chợ Cái Nhum rất hoang mang.

Tháng 8-1961, địch đưa 1 tiểu đoàn quân chủ lực từ thị trấn Vị Thanh càn vào kinh Mười Bốn Ngàn sang xã Vĩnh Tường để đuổi gom nhà dân vào ấp chiến lược nhưng đã bị nhân dân Vĩnh Tường, có cả gia đình binh sĩ kéo đến bao vây, đấu tranh thuyết phục binh sĩ ngừng khủng bố nhân dân. Kết quả, 2 đại đội địch đã chống lệnh đi càn, án binh bất động và kéo trở về Vị Thanh.

Ngày 24-12-1961, địch lập tỉnh Chương Thiện, lấy khu vực chợ Cái Nhum làm tỉnh lỵ, lập tiểu khu quân sự, có sân bay trực thăng, có căn cứ của Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 là hậu cứ thường xuyên của 1 đến 2 tiểu đoàn chủ lực.

Để chống lại sự phản kích của địch, ta vừa đấu tranh chính trị, vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang nhằm tiêu hao quân địch. Tháng 2-1962, đội vũ trang thị trấn đã tổ chức đánh vào trụ sở Hội đồng ở Vị Thiện lấy 1 máy đánh chữ và 1 điện thoại. Tháng 5-1962, đánh vào đốc canh của địch ở Cầu Đen, diệt tên Rớt chỉ huy, thu 1 súng máy, 1 máy radio.

Từ cuối năm 1962 sang năm 1963, Mỹ đã tăng cường viện trợ mọi mặt cho quân ngụy. Tại thị trấn Vị Thanh, quân số địch đã tăng lên gấp đôi so với trước đây. Ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vũ trang ở ven thị trấn. Tháng 4-1963, lực lượng vũ trang thị trấn phục kích đánh địch cạnh sân bay, diệt 1 tên, làm bị thương 2 tên, bắt sống 1 tên, thu được 1 súng. Tháng 10-1963, đội vũ trang thị trấn đột kích diệt tên Nghĩa trưởng đồn Mụ Huệ và mai phục đánh địch tiếp viện diệt 1 tên, bắt sống 1 tên, thu 2 súng carbin.

Tháng 9 và tháng 10-1963, địch tổ chức càn quét mạnh, gom dân với quy mô lớn trên tuyến đường từ thị trấn Vị Thanh đi Long Mỹ để ngăn quân chủ lực của ta từ U Minh tràn lên nhằm bảo vệ thị xã Cần Thơ - cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật của ngụy, với nhiều chính sách càn quét, ta phải chịu nhiều tổn thất.

Tuy địch phản kích ta khá quyết liệt, nhưng nhìn chung trong năm 1963, phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển rất nhanh chóng đã đẩy địch vào thế bị động, bế tắc. Ngày 1-11-1963, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, phe đối lập đã tiến hành cuộc đảo chính lập đổ Ngô Đình Diệm, gây hoang mang và mâu thuẫn trong hàng ngũ địch sâu sắc. Địch đã đưa tên Nguyễn Văn Bình lên làm tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Cần Thơ và Huyện ủy Long Mỹ đã kịp thời chỉ đạo cơ sở chớp thời cơ, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy. Lực lượng vũ trang thị trấn Vị Thanh đã kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng uy hiếp các đồn bót địch. Nhân dân tại các ấp chiến lược nổi dậy, dỡ nhà trở về ruộng vườn cũ, thoát khỏi vòng kìm kẹp của địch. Nhân dân ở trong các ấp chiến lược nhân dịp này cũng phá rào, phá bờ đê ấp chiến lược, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng bên ngoài. Kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của địch bước đầu đã thất bại.

Ở thị trấn Vị Thanh, địa bàn hoạt động của ta so với các nơi khác có nhiều khó khăn hơn. Vì đây là căn cứ đầu não của địch ở tỉnh Chương Thiện, nên quân địch luôn túc trực rất đông, ta thường tiến công địch ở vùng ven, vì nơi này có địa hình thuận lợi và việc bố phòng cũng lỏng lẻo hơn.

Tháng 4-1964, ta phục kích ở lộ Quẹo (nằm trên đoạn đường từ thị trấn Vị Thanh đi Hỏa Lựu) đánh trả quyết liệt với 1 đại đội địch, phá hủy 1 xe GMC.

Đêm 14-5-1964, cơ sở nội tuyến của ta ở trung tâm huấn luyện của địch tại Hỏa Lựu đã khởi nghĩa diệt 35 tên, thu trên 100 súng các loại và nhiều tấn đạn dược, quân trang quân dụng. Do tác động mạnh của cuộc khởi nghĩa, binh lính trong đại đội bảo an biệt kích của chi khu Đức Long lần lượt tan rã gần hết.

 Tháng 6-1964, lực lượng vũ trang thị trấn phục kích trung đội nghĩa quân tại Ba Liên, diệt 3 tên, thu 2 súng. Đêm 16 rạng ngày 17-12-1964, đội vũ trang thị trấn liên tiếp đột nhập vào ấp chiến lược Vị Hưng, trấn áp bọn ác ôn và tước được 1 súng. Tháng 2-1965, ta tổ chức diệt tên Vinh, tình báo ác ôn ngang đồn Hội Đồng.

Cuộc đấu tranh binh vận cũng giành được nhiều thắng lợi, vận động anh em binh sĩ bỏ hàng ngũ kẻ thù trở về với nhân dân. Hai đại đội bảo an 62 và 63 đã làm binh biến chống cấp chỉ huy, không chịu đi càn quét, phá hư 1 khẩu cối 80 ly, đồng thời thả hết khoảng 30 người bị bắt giữ.

Những thắng lợi trên đây là thành tích của một quá trình đấu tranh kiên cường, liên tục đầy gian khổ của nhân dân và cán bộ, đảng viên thị trấn Vị Thanh với quyết tâm bám cơ sở, bám nhân dân để tấn công địch không ngừng, từng bước củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng nhằm tạo đà vững chắc bước tiếp vào giai đoạn cách mạng mới đầy khó khăn, quyết liệt. 

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>