Người làm cách mạng thời chiến - thời bình

26/04/2019 | 08:45 GMT+7

Làm cách mạng thời nào cũng vậy, có ý chí kiên định, vững vàng, tận trung với nước, tận hiếu với dân thì sẽ làm tốt trách nhiệm mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Hoạt động cách mạng trong thời chiến hay thời bình có sự khác nhau về hoàn cảnh, điều kiện, nhưng ai cũng hướng tới mục đích chung là cống hiến sức lực, trí tuệ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Ông Phạm Thanh Cần.

Cho Đảng kỳ thêm thắm

Cuộc sống lúc về hưu của ông Tám Cần (Phạm Thanh Cần), ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, rất an nhàn, thoải mái. Ngày ngày, ông “bầu bạn” với mảnh vườn nhỏ và đàn gà. Xóm giềng ai cũng yêu mến tính cách gần gũi, chân thật của ông, nhưng có lẽ không nhiều người biết ông có một quá khứ hiển hách thời chống Mỹ cứu nước.

Năm 1971, ông Tám Cần lúc đó là Phó Bí thư Thị đoàn Vị Thanh được phân công phụ trách công tác đoàn ở Trường THCS Vị Thanh. Khi ấy, trường này có 1 nhóm của Thị đoàn, trong khi có 3 nhóm của địch gồm: tình báo ngụy, thiếu sinh quân đội của ngụy và nhóm Lê Phước Sang.

Dù “tai mắt” của ngụy khắp nơi nhưng ông Tám Cần nhiều lần vào trường (do hoạt động bí mật) để gầy dựng phong trào đoàn cho cách mạng. Dù hoạt động bí mật và tầm ảnh hưởng không bằng các nhóm của địch, nhưng nhóm cốt cán cách mạng dưới sự dìu dắt của ông tổ chức nhiều đợt rải truyền đơn; gặp gỡ, tiếp xúc, vận động học sinh ủng hộ cách mạng.

Ông Tám Cần không thể nào quên sự kiện diệt Trưởng ấp Ẩn ác ôn của Đoàn TNCS Trường THCS Vị Thanh do ông chỉ đạo.

Năm 1973, nhận được tin báo tên Trưởng ấp Ẩn xuất hiện ở nơi tiểu đoàn địch đóng tại Nàng Chăn, tổ chức cử 1 đoàn viên tên Liêm giả nông dân mang theo súng ngắn tiếp cận và bắn chết tên Ẩn, thu giữ 1 khẩu súng.

Ông Tám Cần nói khó có thể kể hết những câu chuyện hào hùng mà ông và đồng đội trải qua. Tất cả hoạt động cách mạng cũng vì lòng yêu nước nên dù có hy sinh tính mạng, phải trốn chạy sự truy bắt của kẻ thù, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ thứ cũng chẳng nao lòng…

“Đảng phân công nhiệm vụ gì chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành; được xả thân để tô cho Đảng kỳ thêm thắm là điều rất đỗi vinh quang. Ở vùng nông thôn của thị xã khi ấy dân cư còn thưa thớt, những chủ trương, đường lối mà Đảng đề ra họ cũng không biết nhiều, nhưng hễ mình phát động việc gì có lợi cho cách mạng là họ làm ngay, nhất là việc chống bắt lính”, ông Tám Cần chia sẻ.

Ở cái tuổi 83, sức khỏe không còn tốt, nhưng ông Nguyễn Văn Phát, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, vẫn còn nhớ như in những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Sinh ra trong thời loạn lạc, ông Phát nung nấu ý chí đánh đuổi kẻ thù như bao thanh niên khác. Ông tham gia cơ sở mật ở xã Hỏa Lựu (cũ) khi tuổi đời vừa tròn 20. Kể từ đó, cuộc đời ông Phát gắn liền với những tháng ngày “ăn cơm nắm, ngủ hầm”; bị giặc giam cầm mấy năm trời nhưng khi được trả tự do thì ông lại trở về với cách mạng.

Giai đoạn 1965-1967, khi tham gia công tác tại Ban an ninh xã Hỏa Lựu (cũ), ông từng khiến bọn giặc khiếp sợ. Là “chuyên gia” gài bom, mìn trên đường hành quân của giặc, ông đã loại khỏi cuộc chiến 12 tên.

“Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng khi tuổi đời mới đôi mươi và chưa từng trải qua chuyện tình cảm nam nữ. Tất cả chỉ vì họ tin vào con đường giải phóng dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra”, ông Phát nói.

Nghe kể chuyện làm cách mạng của ông Tám Cần, ông Phát thời chiến mà thế hệ hôm nay rất tự hào. Họ đã biết hy sinh cái riêng cho cái chung, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ kể cả tính mạng của mình; trong tâm khảm, họ luôn sẵn sàng đương đầu với kẻ thù, mong một ngày mai tươi sáng!

Ông Nguyễn Văn Phát.

Những viên gạch nhỏ xây dựng quê hương

Mỗi cuộc họp của chi bộ đảng thời chiến hết sức bí mật nên địa điểm họp có thể là nhà dân hay tàng cây rậm rạp, nay thì có phòng ốc hẳn hoi. Thời chiến, người làm cách mạng đối mặt với bom đạn, chết chóc thì thời bình đối mặt với đổi mới, hội nhập hoặc là mặt trái của cơ chế thị trường…

Trọng trách người làm cách mạng thời bình cũng không nhẹ vì phải bảo vệ cho bằng được thành quả cách mạng, nền độc lập dân tộc, xây dựng lại quê hương giàu đẹp, tiến bộ và cả bảo vệ mình.

Thời chiến, ông Tám Cần, ông Ba Phát và hàng triệu người con của đất nước xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thì thời bình cũng có rất nhiều người nhiệt huyết, lăn xả, tiên phong làm những việc khó, việc nguy hiểm để mang lại cơm no, áo ấm cho người dân.

Từ lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường III, thành phố Vị Thanh cho đến người dân, đặc biệt là hội viên người cao tuổi đều quý mến, cảm phục sự cống hiến tận tụy của ông Ba Trường (Nguyễn Minh Trường), Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chi hội Người cao tuổi khu vực 4, phường III, coi ông Ba Trường là ân nhân của mình. Ông Hoàng có cuộc sống rất chật vật vì không nhà cửa, phải ăn nhờ ở đậu nhà người thân. Thấy vậy, ông Ba Trường kêu gọi một hội viên “bán chịu” mảnh đất nhỏ cho ông Hoàng, đồng thời vận động kinh phí trong hội cất cho ông căn nhà nhỏ để có nơi che mưa che nắng. “Nhờ có anh Ba Trường mà cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn trước”, ông Hoàng chia sẻ.

Khi hội viên nào bị bệnh tật qua đời mà gia cảnh khó khăn thì người ta thấy ông Ba Trường chạy vạy khắp nơi để vận động hòm từ thiện, tiền, gạo… tổ chức ma chay.

Hơn 15 năm làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường III, ông Ba Trường còn tích cực vận động kinh phí xã hội hóa để giặm vá, sửa chữa các tuyến đường; vận động người dân và hội viên xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp theo tiêu chí của phường văn minh đô thị. Gần đây, ông còn vận động trong hội viên số tiền hơn 3 triệu đồng để giặm vá, nâng cấp 4 con hẻm ở khu vực 6; phối hợp cùng các đoàn thể phát quang bụi rậm, trồng hoa dại trên tuyến đường Trần Ngọc Quế…

Còn nhiều nữa những hành động nhỏ đóng góp cho quê hương như vậy. Cán bộ, đảng viên thì tiên phong cải cách thủ tục hành chính, tận tình phục vụ Nhân dân; phát động, tích cực thực hiện phong trào thi đua yêu nước; Nhân dân thì cùng nhau làm việc tốt, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí… Những cống hiến ấy đã góp phần giúp tỉnh trẻ Hậu Giang ngày một đổi thay.

Đem chuyện xây dựng, tái thiết quê hương trong thời bình nói với ông Tám Cần thì cán bộ về hưu này cho rằng đó là một kỳ tích. Qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông biết được tỉnh Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung đã có những bước phát triển cực kỳ quan trọng về mọi mặt, đời sống người dân đã đầy đủ, no ấm hơn.

Thành quả ấy theo ông Tám Cần là “quả ngọt” từ sự đoàn kết, chung sức xây dựng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong đó, nhiều cán bộ lãnh đạo có năng lực đã vạch ra những chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả để vực dậy tỉnh nhà.

Ông Ba Trường (phải) đến thăm hỏi ông Nguyễn Văn Hoàng, Chi hội Người cao tuổi khu vực 4, phường III.

15 năm bứt phá, Hậu Giang gặt hái nhiều thành tựu. Trong đó, không thiếu bàn tay, khối óc của người làm cách mạng thời bình biết khắc phục khó khăn, biết biến thách thức thành cơ hội để có một Hậu Giang sáng đẹp và hứa hẹn phồn hoa hơn nữa… “Cán bộ ngày nay năng động, có trình độ, kỹ năng hơn chúng tôi ngày trước. Đó là điều rất cần thiết để dựng xây quê hương xứng tầm với thời đại”, ông Tám Cần nói.

* * *

Thời chiến, nhờ đoàn kết mà làm nên đại thắng; cũng nhờ đoàn kết mà thời bình đất nước có những bước ngoặt phát triển rất đáng kể. Ông Tám Cần, ông Phát mừng vì đất nước đổi mới nhưng cũng trăn trở khi nhận thấy có cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền; chưa thực sự sâu sát cơ sở; có người gây ra đại án tổn hại đến thanh danh của Đảng, xói mòn niềm tin của dân.

Làm cách mạng thời chiến hay thời bình là thay bỏ cái cũ, xây dựng cái mới tốt đẹp hơn!

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>