Người Khmer vượt khó

15/01/2016 | 07:33 GMT+7

Khi mới ra riêng, ông Danh Bình, ở ấp 7, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng để sản xuất. Đến nay, ông đã có 15 công đất, 2 máy gặt đập liên hợp, ngoài ra hàng năm còn nuôi trên 100 con heo thịt..., trừ chi phí, mỗi năm ông lời trên 300 triệu đồng. Đó là thành quả của sự chịu khó, cộng với biết tích cóp của gia đình ông.

Ông Danh Bình khẩn trương sửa chữa máy gặt đập liên hợp để kịp gặt vụ lúa Đông xuân.

Đến nhà ông Danh Bình vào chiều tà, cũng là lúc ông mua các dụng cụ để tu bổ lại máy gặt đập liên hợp về. Ông Bình bộc bạch: “Gần đến vụ lúa Đông xuân rồi cũng phải tu bổ 2 máy gặt đập liên hợp lại để chuẩn bị ra đồng. Khoảng 1 tuần nữa, tôi sẽ xuống miệt Bạc Liêu gặt lúa, đó cũng là lúc bắt đầu vào vụ Đông xuân”. Ông Bình cho biết, mỗi đợt đi mười bữa, nửa tháng mới về nhà 1 lần. 15 công lúa ở nhà vợ trông coi, nhưng khi lúa bệnh thì ông về nhà phun thuốc, nếu bận quá thì mướn người làm thay.

Công việc vất vả, bận rộn là vậy, nhưng ông Bình không thể quên những ngày cơ cực mà mình từng nếm trải. Cách đây trên 20 năm, sau khi lập gia đình, ông Bình được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng để sản xuất, mưu sinh. Lúc đó, vùng này, hệ thống tưới tiêu, kênh nội đồng chưa được rộng khắp như bây giờ, nên năng suất lúa khá thấp và 1 năm chỉ làm 1-2 vụ, do đó gia đình lâm vào cảnh nghèo khó. Sau bao đêm trằn trọc tìm hướng đi để thoát nghèo, vợ chồng ông quyết định đi làm thuê, làm mướn. “Lúc đó, còn trẻ nên có sức, ai mướn gì tôi cũng làm, nào là đào đất, vác lúa, làm hồ… Làm mướn vậy chứ tiền nhiều lắm, nếu đổi ra tiền như bây giờ tôi kiếm khoảng 150.000 đồng/ngày”, ông Bình cho biết.

Cùng với đó, gia đình ông nuôi heo thịt, lúc đầu nuôi khoảng 5 con heo thịt/lần với thời gian 4 tháng xuất chuồng, trừ chi phí cũng lời trên 1 triệu đồng/con. Có thu nhập, nhưng gia đình ông khá tiết kiệm trong việc chi tiêu, nên mỗi năm đều mua thêm 1 công đất để sản xuất, từ đó số ruộng đất của gia đình ông cũng dần dần nhiều hơn. Cách đây khoảng 5 năm, gia đình ông đã có 15 công đất ruộng và trung bình lúc nào cũng có từ 40-50 con heo thịt trong chuồng.

Có được vốn sau bao năm vất vả, cơ cực làm lụng, với mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, năm 2013, ông mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2014, ông mua thêm 1 chiếc nữa cũng gần 700 triệu đồng. Theo ông Bình, năm 2015, từ 2 máy gặt đập liên hợp, ông không chỉ gặt lúa mướn cho các hộ ở xã Vị Tân, mà còn sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… với khoảng 1.500 công đất, trừ chi phí còn lời trên 120 triệu đồng. Ngoài ra, từ việc nuôi heo, 15 công lúa, mỗi năm ông có lợi nhuận gần 200 triệu đồng.

Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương, trung bình mỗi lao động thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo ông Bình, việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn thì có nhiều cách, nhưng chủ yếu làm cách nào để vượt qua khó khăn và người đó có cố gắng hay không là điều quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Lẹ, cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Vị Tân, đánh giá: “Ông Danh Bình là một trong những hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất. Cách làm giàu của ông rất đáng để nhiều người dân của xã học hỏi, làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình, cách thức làm ăn hay, hiệu quả thoát nghèo để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần, đời sống người dân ngày càng phát triển”.

Chia tay ông Bình cũng là lúc trời nhá nhem tối, nhưng ông vẫn đem các dụng cụ mới mua về để tu bổ 2 máy gặt đập liên hợp sao cho kịp thời gian gặt lúa Đông xuân. Bởi theo ông, muốn vượt qua khó khăn ngoài chịu khó, biết cách thức làm ăn, còn phải tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi nếu có thể.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>