Vị Thanh: Hình thành và phát triển

Mở mang nghề làm rẫy và lập vườn

08/09/2023 | 07:37 GMT+7

Sau nghề ruộng, có thể nói nghề làm rẫy tại vùng Vị Thanh xưa cũng nương theo việc đào kinh mà phát triển, bởi nước tưới là vấn đề quan trọng đã được giải quyết.

Người dân canh tác khóm tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

Sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” viết: “Đặc biệt ở Rạch Giá, người Huê Kiều lại tích cực khẩn hoang, với sở trường làm rẫy ở đất giồng ven sông Cái Lớn và Cái Bé. Bên sông Trà Ban (Long Mỹ) có xóm rẫy của người Tiều trồng khoai lang; ở Bến Nhứt (Gò Quao) thì trồng ổi; Tắc Cậu, Hỏa Lựu nghề trồng khóm lâu đời. Khi kinh Xà No đào mở, Hỏa Lựu vừa có điều kiện tăng diện tích cây khóm; vừa trồng thêm dưa hấu, khoai lang nghệ nổi tiếng khắp lục tỉnh”.

Nghề làm rẫy ở Hỏa Lựu, Vị Thanh đã đạt tới trình độ canh tác khá cao. Trước hết, nhờ ven sông rạch có phần đất gò, có lớp than bùn làm phân bón. Thứ đến, nhờ kỹ thuật canh tác từ chọn giống cho tới chăm sóc, người Hoa rất thành thạo, nên huê lợi từ nghề làm rẫy cũng ngang với nghề làm ruộng.

Rẫy khóm mênh mông, trải qua bao đời, dần hình thành nên khu dân cư người Hoa (Triều Châu), gọi là xóm “Chìa Khóm”. Địa danh này hình thành, có lẽ đây là đất nhiễm phèn, mặn; không trồng lúa được, chỉ có trồng khóm mà ăn!

Về lập vườn, thời Mạc Cửu, Gia Long, dân cư các huyện Hà Châu, trấn Hà Tiên đã biết canh tác vườn, với các loại cây trồng: Hồ tiêu, dâu (tằm), cau, trầu. Đến khi vua Minh Mạng cho lập địa bạ (1836), phía đất huyện Kiên Giang dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé vẫn chưa có ghi nhận nào về đất vườn. Dù vậy, có lẽ trên những phần dân cư thổ ít ỏi, người khẩn hoang đã trồng một số bờ tre, bụi chuối, cây cau, dây trầu chỉ để sử dụng gia đình là chính.

Qua các trang sách “Văn minh miệt vườn” của Sơn Nam, người ta mới dần nhận ra buổi đầu sơ khai của miệt vườn vùng vịnh Xiêm La, hồi những thập niên đầu thế kỷ XX, khi kinh Xà No đào mở... Với ruộng đất cò bay thẳng cánh, với số địa tô thâu góp đôi ba chục ngàn giạ lúa hoặc nhiều hơn nữa - giới đại điền chủ dư điều kiện để tạo lập vườn cau, vườn dừa, cất nhà ngói, chơi cây kiểng, hòn non bộ, cất nhà thủy tạ theo kiểu mẫu đã có ở Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho vì đó là hình thức sang trọng mà họ thường mơ ước.

Tuy vậy, do kinh Xà No và các kinh nhánh mới đào, đất còn nhiều phèn, nên các nỗ lực lập vườn chủ yếu đối với các loại cây vườn khỏe mạnh, như tác giả nhận xét: “Đất ẩm thấp, nhưng lên tiếp cao, đào mương kỹ lưỡng thì dừa, cau vẫn sống với năng suất trung bình; chuối, mía, tre mọc dễ dàng. Muốn cho đất ráo phèn thì trồng thêm cây so đũa,...”. Tuy nhiên, các loại cây vườn có múi, cây ăn trái như: Vú sữa, cam, quýt, sầu riêng, bưởi,... chưa thích nghi được trên vùng đất mới.

Bên phía đất Long Mỹ, các làng Vĩnh Tường, Long Bình, Long Trị lúc này cũng rộ lên phong trào lập vườn. Ngày nay, người ta còn giữ được giống quýt đường Long Trị. Miệt vườn Long Mỹ tồn tại và phát triển đến suốt thời kỳ kháng Pháp, có lúc được sánh ngang với miệt vườn Cần Thơ.

Cũng tại vùng Long Mỹ, có ông Phủ Hàm Năng (Nguyễn Hiền Năng) người khẩn hoang lập làng Vĩnh Tường, đã viết và xuất bản cuốn sách “Hiền Năng gia huấn”. Trong đó, dạy cả nghề làm ruộng, làm vườn. Ông ghi tỉ mỉ từ cách chọn đất, làm đất, cho tới cách trồng cây vườn.

Đối với nghề chăn nuôi và thủy sản ở Rạch Giá thời Pháp thuộc, chưa thấy tư liệu nào ghi nhận. Đọc lại một báo cáo của chính quyền Pháp tại Cần Thơ trước năm 1989, cho thấy hàng năm tỉnh thu thuế ngư nghiệp 15.000 đồng về cá và 10.000 đồng về tôm. Đây là nguồn thu rất lớn, nếu tính theo giá lúa chỉ 2-3 cắt/giạ. So sánh với tỉnh Rạch Giá, nơi có nguồn tôm, cá đồng dồi dào (không kể hải sản) như vùng sông Cái Lớn, Cái Bé, U Minh thì chắc chắn nguồn lợi ngư nghiệp còn lớn hơn. Riêng về nuôi cá, có lẽ mới phổ biến loại cá tra (cá vồ), cư dân mua cá giống của các ghe hàng cá từ miệt Châu Đốc xuống, rồi thả hầm nuôi, vừa có chỗ gia đình đi vệ sinh.

Chặng đường hình thành nghề nông nói chung, trong đó làm ruộng vẫn là hàng đầu, kế đến là nghề làm rẫy,... đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa, nhất là giai đoạn đào kinh xổ phèn, lấy nước ngọt về canh tác. Nhìn một cách khách quan, chính mặt nào đó, nhờ sự mạnh dạn bỏ vốn đầu tư lập sở điền, sản xuất theo lối tập trung hóa, nên nông nghiệp hai bờ kinh đào đã nhanh chóng phát triển, mở ra thời kỳ mới cho cây lúa nước, cho cây khóm, dưa hấu, khoai lang,... ở Hỏa Lựu - Vị Thanh. Đồng thời, ảnh hưởng văn minh miệt vườn đến từ phía Phong Điền (Cần Thơ) cũng dần rõ nét, thúc đẩy nghề làm vườn ra đời.

Từ năm 1948-1954, Vị Thanh, Hỏa Lựu thuộc vùng giải phóng, thỉnh thoảng mới hứng chịu bom, đạn nên công việc canh tác vẫn bình thường, tuy không có bước đột phá. Thực hiện chủ trương “cấp đất cho dân cày”, chính quyền cách mạng trưng thu đất địa chủ cấp cho các hộ tá điền và các hộ thiếu đất, không đất sản xuất. Theo sách “Lịch sử Giồng Riềng” (bao gồm địa bàn Vị Thanh): “Từ quý II, năm 1948 Giồng Riềng bắt đầu thực hiện tạm cấp đất. Hội đồng tạm cấp đất của quận được thành lập, bao gồm Hội Nông dân cứu quốc, Ủy ban kháng chiến hành chánh và Mặt trận Việt Minh. Sau đó, quận chỉ định Hội đồng tạm cấp đất của các làng”.

Trong lúc này, do ta thực hiện chủ trương “bao vây kinh tế địch”, tổ chức nhiều trạm gác theo trục giao thông khiến trong vùng tạm chiếm, chúng rất thiếu nguồn thực phẩm lúa, gạo, thịt, tôm, cá, khô, trứng,... Đổi lại Pháp thi hành chủ trương “phong tỏa kinh tế vùng kháng chiến”, nên quần chúng len lỏi qua các đồn địch, mang các hàng thiết yếu vào vùng kháng chiến, thì bị các đồn bót, trạm kiểm soát của địch xét hỏi, tịch thu. Do tình hình trên, vùng kháng chiến Giồng Riềng rất thiếu đường và muối, ta phải phát động nhân dân trồng mía và ủ mộng nấu mạch nha thay đường.

Tóm lại, nông nghiệp vùng Vị Thanh, Hỏa Lựu thời kháng Pháp (1945-1954) cho thấy thực dân Pháp rất ít đầu tư phát triển, chỉ tập trung cho kinh tế khu vực thành thị. Trong khi đó, nông nghiệp trong vùng giải phóng có nhiều cố gắng giữ vững, vượt qua trở ngại, khó khăn do chiến tranh. Tuy không tiến triển, nhưng cũng đã góp phần “nuôi quân đánh giặc”, giữ được đời sống no ấm, trong hoàn cảnh có lúc cực kỳ khó khăn.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>