Lưu dấu lịch sử…

27/04/2017 | 08:14 GMT+7

Vùng đất Long Mỹ anh hùng - nơi từng là “chảo lửa” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Để lưu dấu lịch sử, huyện Long Mỹ đã cho xây dựng một số khu di tích, bia tưởng niệm, bia lưu niệm, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Việc xây dựng bia lưu niệm Xẻo Đước góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

Xẻo Đước - địa danh nghe rặt chất Nam bộ - là một vùng quê còn nghèo khó ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A. Theo nhiều người lớn tuổi ở địa phương, khu vực này trước đây có xẻo đất với những đám đước rất lớn. Rồi cái tên Xẻo Đước cũng xuất hiện từ đó…

Nơi này trước đây cây cối um tùm, dân cư thưa thớt, ấy vậy mà có quá khứ hào hùng đáng nể. Xẻo Đước từng là địa điểm diễn ra 3 sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ của quê hương Long Mỹ anh hùng. Đó là sự kiện đơn vị Thanh binh huyện Long Mỹ (thường gọi là Đoàn Thanh binh) được bí mật thành lập vào năm 1956, có nhiệm vụ diệt ác và làm cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang khi tình hình cho phép. Hay Trung đội vũ trang huyện Long Mỹ được thành lập vào ngày 28-3-1957 để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Đặc biệt là trung đội địa phương quân Long Mỹ từng khiến giặc Mỹ khiếp hồn bạt vía cũng được thành lập tại đây vào tháng 10-1961.

Để lưu dấu lịch sử hào hùng ở Xẻo Đước, hai địa phương “anh em” là thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ cùng chung tay xây dựng bia lưu niệm Xẻo Đước và khánh thành vào ngày 20-12 năm ngoái. Âu đó cũng là điều nên làm cho nơi từng là “vùng đất thiêng” của phong trào cách mạng.

Nhìn bia lưu niệm Xẻo Đước, ánh mắt ông Ba Biển (Nguyễn Văn Hào), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Long Mỹ, chợt xa xăm khác lạ, như đang nhớ về điều gì đó rất đỗi thiêng liêng trong quá khứ. Từng là “nhân chứng sống” của sự kiện địa phương quân Long Mỹ thành lập cách đây gần 56 năm nên tâm trạng của ông Ba Biển mới chất đầy cảm xúc như vậy.

Nỗi nhớ cứ ùa về không ngừng trong tâm trí ông: “Tôi nhớ vào ngày địa phương quân Long Mỹ thành lập, nhiều bà mẹ đến vỗ vai cán bộ, chiến sĩ mừng rỡ nói: ‘Tụi mày có lực lượng, có súng đánh giặc, tao mừng quá. Lúc trước, bọn giặc đuổi tao ra ấp chiến lược sống cực khổ. Bây giờ mình có lực lượng vũ trang rồi sẽ hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị, tao tin mình sẽ giành thắng lợi lớn’. Tôi cũng không thể nào quên sự quyết tâm, tinh thần cách mạng ngút trời thể hiện rõ trên từng gương mặt của các chiến sĩ ngày đó”.

Khi biết tin thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ hợp sức xây dựng bia lưu niệm Xẻo Đước, ông Ba Biển phấn khởi vô cùng. “Xây dựng bia lưu niệm không chỉ lưu giữ lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở Xẻo Đước, mà quan trọng hơn là để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay. Những ai đến tham quan bia lưu niệm có thể đọc 3 sự kiện lịch sử được ghi rõ trên đó để biết vùng đất Xẻo Đước anh hùng như thế nào trong thời chiến”, ông Ba Biển tâm sự.

Với người dân Xẻo Đước, bia lưu niệm như một biểu tượng tinh thần thiêng liêng, bởi nó là hiện thân của tinh thần yêu nước, yêu cách mạng vốn là đặc trưng trong tính cách và hành động của họ. Nhà ở cạnh bia lưu niệm, khi rảnh rỗi vào buổi chiều, ông Nguyễn Thành Việt lại cùng vợ đến dọn dẹp vệ sinh xung quanh khuôn viên bia. “Tôi muốn đóng góp một chút công sức để bảo quản bia thật tốt, như để giữ gìn truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình”, ông Việt chia sẻ.

Còn tại ấp 7, xã Vĩnh Viễn A cũng xây dựng bia tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh kênh Thanh Thủy - Xẻo Giá. Vào ngày mùng 7-1-1967 (âm lịch), tại khu vực kênh Thanh Thủy - Xẻo Giá, thuộc ấp 8, xã Vĩnh Viễn (cũ), nay là ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, đã diễn ra trận đánh rất ác liệt giữa Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 306 và Tiểu đoàn 309, thuộc Trung đoàn 1 (Quân khu 9) với Trung đoàn 31 của giặc. Kết quả, bộ đội ta tiêu diệt 13 máy bay, 2 chiếc phản lực và 1 tiểu đoàn của giặc. Tuy nhiên, cũng có gần 90 bộ đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này. “Còn gì ý nghĩa hơn khi bia tưởng niệm được xây dựng ngay tại địa điểm diễn ra trận đánh ác liệt cách đây hơn 50 năm”, ông Bùi Trung Bắc, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, bộc bạch.

Thời điểm diễn ra trận đánh Xẻo Giá - kênh Thanh Thủy, ông Bắc là Xã đội phó xã Vĩnh Viễn (cũ) và là người trực tiếp an táng các thi thể chiến sĩ hy sinh. Đối với người đàn ông 73 tuổi này, việc xây dựng bia tưởng niệm là điều cần thiết để ghi nhớ và vinh danh công lao to lớn của các chiến sĩ đã xả thân vì nước.

Cũng theo ông Bắc, người dân và học sinh ở địa phương khi nhìn thấy bia tưởng niệm sẽ tự nhủ với lòng phải cố gắng lao động, học tập thật tốt để xứng đáng với vong linh các anh hùng liệt sĩ. Ông Bắc cũng đã đề nghị với huyện, xã giao cho Chi hội Cựu chiến binh ấp 7 quản lý, trông nom bia tưởng niệm này để thường xuyên hương khói coi như trọn cái nghĩa cái tình với đồng chí, đồng đội năm xưa.

Được biết, toàn huyện Long Mỹ hiện có 1 khu di tích lịch sử (Khu di tích Chiến thắng 75 lượt Tiểu đoàn địch ở xã Vĩnh Viễn), 1 đền thờ (Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm), 5 bia tưởng niệm và 1 bia lưu niệm. Mỗi công trình thường gắn với mỗi sự kiện lịch sử khác nhau nhưng đó là biểu hiện của tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với công lao to lớn của cha anh ngày trước. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đó là việc nên làm, bởi trong chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Long Mỹ đã dùng tinh thần yêu nước, dũng khí cách mạng để đánh thắng kẻ thù hung bạo. Và tinh thần ấy cần tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày nay...

Phát huy truyền thống cách mạng để phát triển quê hương

“Từ sau ngày giải phóng đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Mỹ đã chung sức chung lòng, tập trung chăm lo cho huyện nhà không ngừng phát triển vươn lên. Nếu so với lúc mới giải phóng và thời kỳ đầu thực hiện công cuộc đổi mới thì Long Mỹ đã tạo lập được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân đã có bước cải thiện lớn. Từ khi chia tách địa giới hành chính đến nay, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ tiếp tục lập được nhiều thành tích mới và đang phấn đấu cho bước phát triển tới bền vững, giàu đẹp hơn. Tự hào truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng vũ trang, của địa phương quân Long Mỹ, chúng tôi quyết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Long Mỹ và Vĩnh Viễn A anh hùng; phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi dậy tình cảm và nguồn lực trong nhân dân để tiếp tục đưa huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, xã Vĩnh Viễn A không ngừng phát triển đi lên một bước mới, giàu đẹp hơn…”, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>