Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy:

Hiện thực hóa Nghị quyết, Hậu Giang sẽ vượt lên mạnh mẽ

06/02/2021 | 08:00 GMT+7

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 được đánh giá có nhiều điểm nhấn. Đó là vừa mang tính kế thừa, vừa có nhiều cách tiếp cận mới thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng bộ tỉnh trong việc đề ra các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, có cuộc trao đổi về quá trình xây dựng văn kiện và những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Tỉnh Hậu Giang xác định đầu tư cho hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đột phá.

Thưa Ông, tại Hội nghị tổng kết công tác đại hội đảng bộ các cấp do Bộ Chính trị tổ chức, Hậu Giang có tham luận về những kinh nghiệm hay trong quá trình xây dựng văn kiện cũng như hoàn chỉnh Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ông có thể chia sẻ những nội dung này ?

- Việc xây dựng Văn kiện có vai trò rất quan trọng, quyết định thành công của Đại hội. Kinh nghiệm quan trọng nhất đó là Văn kiện phải là kết tinh trí tuệ, tinh thần sáng tạo, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng bộ và Nhân dân trong Tỉnh.

Có thể nói, việc phát huy trí tuệ tập thể, cá nhân, dân chủ trong góp ý Văn kiện lần này được thực hiện tối đa có rất nhiều ý kiến sâu sắc và tâm huyết của các nhà khoa học, viện, trường, bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang - Cần Thơ qua các nhiệm kỳ. Kết quả có trên 24.000 lượt tham gia góp ý góp phần cho dự thảo Văn kiện, Chương trình hành động, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (2021-2026) được đầy đủ và hoàn thiện hơn, trước khi trình Đại hội. 

Đoàn công tác khảo sát tiến độ dự án Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Tây 1, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy.

Việc thảo luận Văn kiện tại Đại hội cũng diễn ra khá sôi nổi, tích cực, với trên 55 lượt ý kiến tham gia. Các ý kiến đóng góp của đại biểu thể hiện rõ trách nhiệm, trí tuệ, sát thực tế; một vài nội dung chưa rõ đều được thảo luận giải trình tạo sự đồng thuận cao.

Nội dung Văn kiện trình đại hội cũng như Nghị quyết của đại hội cũng có nhiều điểm nhấn với nhiều cách tiếp cận mới. Thể hiện từ chủ đề đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, tầm nhìn chiến lược phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Bao quát trong những nội dung đó đều cho thấy khát vọng vượt lên của toàn Đảng bộ, quân và dân Tỉnh nhà để làm sao cùng sánh vai với các tỉnh, thành vùng đồng bằng song Cửu Long và các địa phương trong cả nước.

Ông có thể phân tích rõ hơn một số nội dung nổi bật, cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV ?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này đề ra mục tiêu tổng quát: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”.

Lễ thông xe Đường tỉnh 927C.

Mục tiêu chính trong mục tiêu tổng quát là xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giữ vững sự đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân - bài học này đã được đúc kết sau hơn 16 năm phát triển Tỉnh nhà và sẽ phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc.

Còn về mục tiêu tổng quát về phát triển các lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn tới là ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch.

Theo đó, phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy khâu sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu đầu vào của các nhà máy chế biến nông sản. Phát triển lĩnh vực thương mại để giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản. Bên cạnh công nghiệp chế biến, cần thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo và một số ngành công nghiệp ít gây tác động tới môi trường nhằm tạo giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Đối với mục tiêu “phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”. Mục tiêu này được thảo luận rất kỹ. Với mức tăng trưởng kinh tế bình quân trong nhiệm kỳ qua là 6,3% nên việc đưa ra mục tiêu này là có cơ sở, “khá” ở đây là so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, phấn đấu nằm trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất vùng.

Trong nhiệm kỳ tới với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh lựa chọn 3 nhóm nhiệm vụ đột phá để tập trung thực hiện, gồm: thứ nhất là quy hoạch, hạ tầng; thứ hai là thể chế và thứ ba là phát triển nguồn nhân lực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ sở để Tỉnh lựa chọn 3 nhiệm vụ đột phá này là do:

Thứ nhất, xây dựng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (thời gian hoàn thành là đầu năm 2022). Một khi đã có được quy hoạch hoàn chỉnh, Tỉnh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để biến các nội dung quy hoạch thành những kết quả cụ thể, phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết của nhiệm kỳ 2020-2025 và giai đoạn tiếp theo.

Cùng với quy hoạch, trong bối cảnh nguồn lực của Tỉnh rất hạn chế, việc lựa chọn lĩnh vực nào để ưu tiên đầu tư cũng quan trọng không kém. Và đầu tư hạ tầng là yêu cầu tất yếu nếu muốn phát triển. Trong nhiệm kỳ tới đây, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển mạnh mẽ các tuyến quốc lộ, kết nối liên vùng, đi cùng với đó, chắc chắn sẽ là sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư về khu vực nhiều hơn. Do vậy, chúng ta cần chủ động nhận diện và nắm bắt thời cơ vàng này để phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vì nhóm chủ thể này rất quan trọng, đóng góp tới hơn 84% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng thời gian qua chưa được đầu tư tương xứng.

Ông Lê Tiến Châu (thứ 3 từ phải sang), Bí thư Tỉnh ủy, trao đổi với các doanh nghiệp về các sản phẩm lợi thế của Tỉnh cũng như môi trường đầu tư vào Hậu Giang.

Về lĩnh vực nông nghiệp, lựa chọn của Tỉnh là phát triển các mô hình sản xuất thông minh, sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng vào chất lượng sản phẩm hơn là số lượng. Phát triển các mô hình có tính chất tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích đất.

Thứ hai, Hậu Giang không có nhiều lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên so với các địa phương khác, nên cần phải tự tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình thông qua công tác xây dựng, và hoàn thiện thể chế chính sách tại địa phương, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, gắn với cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin là mảnh ghép còn thiếu cuối cùng phải thực hiện để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu phát triển.

Tóm lại, 3 nhiệm vụ đột phá là một sự thống nhất, đồng bộ, không có sự ưu tiên trước sau mà được tiến hành thực hiện đồng thời.

Nhân đây cũng xin nhắc lại sự kiện rất thành công do Hậu Giang tổ chức, đó là Giải marathon quốc tế “Mekong delta marathon”, Ông nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí là: “Chúng tôi cần phải “chạy” để vượt lên chính mình, để vượt qua khó khăn, thử thách phía trước...”. Từ đâu có sự liên tưởng khá thú vị này, thưa Ông ?

- Có thể nhận thấy, nếu so với xuất phát điểm ban đầu của Tỉnh khi mới tái lập, Hậu Giang có thể tự hào về những bước phát triển nhanh trong thời gian qua với nhiều kết quả nổi bật, toàn diện về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương khác trong khu vực và cả nước thì vị trí của Hậu Giang còn khá khiêm tốn. Không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên - xã hội, nguồn lực hạn chế, riêng nguồn nhân lực cũng thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước với tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức/1.000 dân chỉ đạt 22,2 người…

Dù hiện tại Tỉnh phát triển đi sau các địa phương khác, nhưng chúng tôi nhận thức rằng: phải biến khó khăn thành lợi thế, phát triển sau cũng đồng nghĩa là còn nhiều dư địa phát triển có thể lựa chọn những hướng đi mới, sáng tạo để hướng đến mục tiêu xa hơn.

Để đạt được sự kỳ vọng đó, trong điều kiện thực tế như trên không còn cách nào khác hơn là Hậu Giang phải “chạy”. “Hậu Giang giống như nhiều vận động viên tham dự giải marathon, rất trẻ và giàu nhiệt huyết, chúng tôi cần phải “chạy”, để vượt lên chính mình, để vượt qua khó khăn, thử thách phía trước, chạy để theo kịp các địa phương bạn bè. Vì mục tiêu cao cả là xây dựng Hậu Giang văn minh, giàu đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Nhiều người đánh giá cao khi vừa qua Hậu Giang có cách làm hay và mới trong cách triển khai quán triệt Nghị quyết bằng hình thức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình, xin ông đánh giá về kết quả của cách làm này ?

- Tôi cho rằng, việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết phải được thực hiện tốt, qua đó nhằm tạo nhận thức đúng, đầy đủ và tìm ra giải pháp để đưa Nghị quyết của đại hội đi vào cuộc sống. Nghị quyết là sự kết tinh của trí tuệ của nhiều người, cộng hưởng thành khát vọng vươn lên của cả cộng đồng. Vì vậy, Nghị quyết có đúng, có hay đến đâu mà chậm đi vào cuộc sống thì xem như chưa thể thành công.

Việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng qua sóng truyền hình nhằm bảo đảm tính kịp thời vừa đáp ứng yêu cầu sâu rộng không chỉ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đây chính là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt nhằm tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân.

Cuối cùng, Ông có thông điệp gì dịp xuân đến tết về ?

- Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia, cũng như của nhiều địa phương cũng vậy, không hẳn dựa vào lợi thế tiềm năng mà cốt yếu làm sao khơi thông được nguồn năng lượng tiềm tàng, đó là tiềm lực - yếu tố con người. Hậu Giang bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế là không cho phép mình tụt hậu, khát vọng vượt lên đã thể hiện rõ trong từng mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp trong Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Để chuyển hóa khát vọng thành hiện thực cuộc sống yêu cầu cần phải có ý chí quyết tâm cao độ và năng lực hành động mạnh mẽ, linh hoạt. Đó chính là những yếu tố quan trọng mang tính quyết định; là chìa khóa để chúng ta vượt tiến trong tương lai.

Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đưa Hậu Giang ngày càng văn minh, phồn vinh, giàu đẹp!

Xin cảm ơn Ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này !

NGUYỄN TẤN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>