Hậu phương luôn ấm lòng !

11/02/2021 | 10:55 GMT+7

Luôn chủ động, tích cực làm tốt chính sách hậu phương quân đội bằng nhiều việc làm thiết thực, nên đời sống của đại đa số bà con thuộc diện này nâng lên đáng kể.

Vợ chồng ông Lê Văn Sự lấy tấm gương đạo đức của Bác để giáo dục con cháu.

Hồi tháng 4 năm rồi, hộ ông Bùi Tiến Kiệt, thương binh hạng 4/4, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, được xét hỗ trợ ông 30 triệu đồng sửa nhà. Ông vui lắm vì mấy năm nay sức khỏe giảm sút nên thu nhập từ trồng trọt và chạy xe ôm không được nhiều. Với số tiền ấy, ông tính toán kỹ lưỡng cho từng “hạng mục” của căn nhà rồi kêu thợ làm sao cho không thâm vốn mà nhà ở được lâu.

Ông Kiệt kể, với 30 triệu đồng, ông “ra toa” mua tôn, la phông, cửa nhôm, nước sơn, vật liệu cần thiết làm mới khoảng 50% căn nhà, rồi giữa năm, nhà hoàn thành. Hôm về mừng nhà mới, con của ông Kiệt (quân nhân tại ngũ) về thấy nhà cha mẹ vững chắc mà vui mừng khôn siết…

Là lính đặc công trở về từ chiến trường Camphuchia, ông Kiệt luôn giữ cho mình khí tiết của một người lính với bản chất tự lực nên cuộc sống dù có những khó khăn nhưng ông Kiệt vẫn kiên cường…

Với chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và sự chủ động của địa phương nên hộ ông Kiệt đã sớm an cư…

Thông tin thêm về căn nhà, ông Kiệt nói: “Ban Chỉ huy Quân sự huyện Long Mỹ là đơn vị chủ công phối hợp với các ngành chức năng, địa phương xét, hỗ trợ cho tôi. Sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từ cất nhà tình nghĩa vào năm 2005 rồi nay cho tiền sửa nhà là nguồn động viên rất lớn cho gia đình ông trong cuộc sống. Ở nơi tuyến đầu canh giữ bầu trời, con tôi có lẽ cũng toàn tâm toàn ý phục vụ”.

Không riêng hộ ông Bùi Tiến Kiệt mà những gia đình phóng viên gặp đều hài lòng với sự chủ động, tích cực làm tốt chính sách hậu phương quân đội của đơn vị chức năng với phương châm “giải quyết đúng người, đúng chế độ, không bỏ sót đối tượng, không gây phiền hà cho dân”.

Sự chủ động để hậu phương thêm vững còn có thể thấy nhiều năm sau khi thành lập tỉnh, các cấp, các ngành tích cực vận động ủng hộ của xã hội để tặng tiền, quà cho tân binh và gia đình tân binh ngày giao - nhận quân. Sự rầm rộ này có thể ghi nhận 5-7 năm nay khi xã hội nhận thức đầy đủ hơn về chăm lo cho một hậu phương vững để tuyến đầu thêm chắc.

 Tòng quân đầu năm 2019, Bùi Tấn Lộc, con ông Bùi Văn Kiên, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, khá lo khi gia đình còn nhiều khó khăn, nếu ở nhà thì sẽ tiếp… một tay cho cuộc sống mẹ cha.

Nhưng nỗi lo ấy vơi đi khi trước lúc lên đường, anh được thông tin ba mẹ sẽ được Hội đồng Nghĩa vụ quân sự phường hỗ trợ 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Yên lòng nối gót cha anh, Lộc hứa sẽ tích cực huấn luyện giỏi để không phụ lòng người ở lại...

Ở nhà, với 4 triệu đồng, ông Kiên mua 2 con heo về nuôi, số còn lại mua một vài phương tiện để phục vụ cho làm mướn. Tận dụng tốt nguồn vốn, chi tiêu phù hợp, hiện nay cuộc sống hộ ông Kiên kha khá. “Cũng nhờ địa phương quan tâm, hỗ trợ nên gia đình tôi mới có cuộc sống như vầy. Còn một thằng con trai sắp đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự và tôi sẽ vận động nó tự nguyện đăng ký lên đường tòng quân những năm tới”, ông Kiên nói.

Ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, hộ ông Lê Văn Sự cũng có con (trụ cột lao động chính) nhập ngũ năm 2019, được hỗ trợ nhiều về vật chất, từ đó, con ông rất an lòng học tập, huấn luyện, trưởng thành.

Vợ chồng ông Sự có với nhau đến 8 người con. Trước đây, do điều kiện gia đình khó khăn nên hầu hết các con chưa học hết lớp 8, chỉ có Lê Ra Xil (con út) tốt nghiệp cấp II. Đông con, không đất sản xuất, ông bà làm thuê đủ nghề để mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp cấp II, Xil làm công nhân cho một công ty ở thành phố Vị Thanh, thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2019, Xil nhận lệnh gọi nhập ngũ…

Thấu hiểu và không để Xil lo lắng khi nhập ngũ, trước ngày tòng quân, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Vĩnh Thuận Tây tặng gia đình ông Sự 10 triệu đồng, cam kết hàng tháng hỗ trợ thêm 600.000 đồng và 15-20kg gạo để gia đình Xil có cuộc sống tương đối…

“Từ khi thằng Xil lên đường tòng quân, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã vun đắp thêm lòng tin của tôi với chính quyền các cấp về xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, trong đó có sự vững mạnh về lòng tin của Nhân dân với bộ đội”, ông Sự bộc bạch.        

Tết này, ông Bùi Tiến Kiệt vui hơn, ăn tết lớn hơn.

Chỉ tính riêng trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm cũng có đến hàng chục cách làm để hỗ trợ, động viên tân binh và gia đình tân binh. Như tặng quà, sổ tiết kiệm cho thanh niên trúng tuyển; nếu là học viên, sinh viên trúng tuyển sẽ được bảo lưu kết quả học tập; hỗ trợ vốn để gia đình có thanh niên trúng tuyển sản xuất, kinh doanh; thân nhân tân binh được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ học nghề gắn với giải quyết việc làm. 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 900 trường hợp quân nhân xuất ngũ hỗ trợ học nghề; trên 4.160 trường hợp thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cấp bảo hiểm y tế…

Theo đại tá Võ Văn Phương, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hậu phương quân đội là chính sách không thể thiếu cả thời chiến lẫn trong thời bình, việc thực hiện các chính sách hậu phương được các cấp, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả thời gian qua đã góp phần động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang yên tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kết quả của công tác này còn đánh giá sự nỗ lực, cố gắng lớn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương cùng chung tay xây dựng hậu phương thêm vững; kịp thời động viên Nhân dân, tạo khí thế phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự hàng năm.

Hậu phương quân đội ở Hậu Giang đã và sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả hơn bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ có ý nghĩa to lớn góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc…

NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>